CÔNG PHU ĐẢNH LỄ KHAI THỊ CỦA ĐẠO SƯ GARCHEN RINPOCHE
Thầy muốn khai thị cho chúng ta một chút về công phu đảnh lễ. Thường chúng ta chỉ nghĩ về việc đảnh lễ qua thân, nhưng thực sự có ba loại đảnh lễ: đảnh lễ qua thân, khẩu, và ý. Có những người nghĩ rằng họ lớn tuổi hoặc có giới hạn về thể xác nên họ không đảnh lễ được, nhưng điều này không đúng. Vì thường khi chúng ta đảnh lễ qua thân thì đây chỉ là việc đảnh lễ bình thường thôi, chứ chưa phải cách đảnh lễ trên ý nghĩa tối hậu. Do bởi tất cả những gì chúng ta có thể làm được qua thân để đem đến lợi lạc cho người khác thì đây cũng phải xem là đảnh lễ. Chẳng hạn như khi chúng ta làm công quả ở chùa hay khi chăm sóc cho người bệnh, hoặc khi chúng ta làm bất kỳ một việc hay hành động nào mang lại hạnh phúc và lợi lạc cho người khác, thì tất cả những việc làm này cũng được coi là đảnh lễ qua thân.
Sau khi đảnh lễ qua thân, còn có đảnh lễ qua khẩu hay ngữ. Bất kỳ những gì chúng ta nói mà có thể mang lại lợi lạc cho người khác có thể coi là đảnh lễ qua khẩu. Ví dụ chúng ta từ bỏ việc nói xấu người khác, chỉ nói những điều thiện lành, nhắc nhở cho người khác nghe về nhân quả, tụng đọc các bài quy y, tụng chú mani, tụng bài nguyện hồi hướng, nói những lời làm cho người khác gần gũi hài hòa với nhau, nói những lời từ ái, nói những lời đầy từ bi, v.v. thì đó cũng chính là đảnh lễ qua khẩu hay ngữ.
Nhưng quan trọng hơn cả là đảnh lễ qua tâm của chúng ta. Đó là khi chúng ta hướng tâm của mình đến chư Phật và nghĩ rằng: “Ôi, các Ngài thật là trân quý,” hay chúng ta phát khởi được tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Khi tâm của chúng ta khởi nên các niệm hướng về Tam bảo trong sáu thời một ngày, cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng hướng về Tam Bảo, luôn nhớ nghĩ đến sự từ ái hay trân quý của Tam Bảo thì đó chính là đảnh lễ qua tâm hay ý. Và trong ba loại đảnh lễ thì đảnh lễ qua ý là quan trọng nhất và có nhiều sức mạnh nhất.
Tri kiến thanh tịnh trong Mật Thừa Trong Mật thừa thì điều quan trọng nhất là chúng ta cần phát khởi và trưởng dưỡng được một tri kiến thanh tịnh. Thật sự đối với một số người trong chúng ta, khi nói đến tri kiến thanh tịnh thì điều này có vẻ hơi khó hiểu. Nhưng Thầy nói điều này rất dễ hiểu và bây giờ Thầy sẽ khai thị cho chúng ta. Có được một tri kiến thuần tịnh có nghĩa là luôn phải nhìn thấy những gì tốt lành nhất [nơi mọi người mọi sự] và xin đừng soi xét các lỗi lầm hay những điều xấu xa. Chẳng hạn như khi chúng ta nhìn thấy một người đang thọ giới Quy y thì chúng ta cần khởi lên tư tưởng nghĩ rằng, “Ồ, điều này thật là tốt lành, người này đã trở thành một phần của Tăng Bảo và tôi tùy hỷ với người đó”. Như vậy đây là một hình thức có tri kiến thuần tịnh.
Cái gì là thuần tịnh hay thanh khiết? Đó chính là chúng ta tịnh hóa được sự chấp ngã của chúng ta, và chúng ta tùy hỷ với niềm vui và hạnh phúc của người khác. Thuần tịnh cũng có thể hiểu theo nghĩa là khi tâm chúng ta thanh khiết, khi chúng ta hướng tâm về Tam Bảo, hay khi ta phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Các tâm niệm như thế đó cũng chính là tri kiến thuần tịnh. Các vị Đạo Sư Kadampa trong những đời quá khứ đã nói rằng đừng nhìn xét lỗi của người khác mà hãy luôn nhìn ra được những phẩm tánh của họ. Bởi vì khi chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác thì tâm của chúng ta đã trở nên ô nhiễm, còn khi chúng ta chỉ nhìn thấy thiện đức, thấy những điều tốt lành nơi người khác thì tâm của chúng ta đang được tịnh hóa.
Như trong Pháp hội Thầy cũng đã có khai thị, tri kiến thuần tịnh của chúng ta được xem như là một cái máy giặt, và chúng ta cần gột rửa tâm mình giống như chúng ta bỏ quần áo vào máy giặt để máy giặt có thể gột sạch tất cả đất cát, bụi bẩn bám trên quần áo của chúng ta. Còn nếu chúng ta có một tri kiến bất tịnh, cái nhìn của chúng ta lúc nào cũng bất tịnh thì cũng chẳng khác nào chúng ta quăng ném đất cát vào quần áo của mình, hay quăng ném đất cát vào trong tâm của mình. Điều này vô cùng quan trọng và chúng ta cần luôn ghi nhớ, bởi vì nếu có được tri kiến thuần tịnh thì tri kiến này sẽ giúp cho chúng ta biết được cái gì nên làm và cái gì nên từ bỏ qua thân và khẩu của chúng ta. Chúng ta cần nghĩ rằng tâm thức bên trong của chúng ta là cái mà chúng ta cần tịnh hóa để có được một tri kiến thuần tịnh chứ không phải chỉ tịnh hóa thân và khẩu bên ngoài mà thôi.
Tri kiến thanh tịnh và cõi Tịnh Độ Cực Lạc Thầy nói rằng Thầy thực sự cảm ơn tất cả đại chúng đã bỏ công sức đi từ rất xa đến đây để thọ Pháp và Thầy tùy hỉ với công đức của các bạn và với Pháp hội này. Việc tất cả đã đến đây thọ Pháp là bởi vì tất cả các bạn trong quá khứ đã từng phát khởi được một trí kiến thanh tịnh để có thể phát lòng hoan hỷ đến đây tu tập như thế này. Thầy hy vọng là khi quý vị trở về quê nhà thì hãy luôn ghi nhớ những gì đã được học trong Pháp hội này. Và khi quý vị đã có được những dấu ấn trong dòng tâm thức xuyên qua công phu hành trì trong những buổi cộng tu vừa qua, thì khi về nhà hành trì và nhắm mắt lại, hãy nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà và hãy phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Và khi nhắm mắt như thế, thì những hình ảnh của toàn bộ Pháp hội, hình ảnh về đại chúng, những người bạn đồng tu, hình ảnh các món cúng dường, hình ảnh của Chư Phật, v.v. cũng có thể hiện ra trong dòng tâm thức của các bạn để hỗ trợ cho công phu tu tập của các bạn tại nhà.
Thầy nói rằng hôm qua Thầy có phát cho chúng ta một tuyển tập nhỏ, gọi là “Bài Nguyện Dài Hướng Về Cõi Tịnh Độ Cực Lạc” của đức Chagme Rinpoche (quyển tiếng Việt bìa màu trắng). Thầy nói rằng khi Thầy đọc tuyển tập này, có một câu khai thị trong đó đã giúp cho Thầy nhìn thấy ra được rất rõ cõi Tịnh Độ là như thế nào.
Đôi khi người ta nghĩ Tịnh Độ có thể là một cõi giới vật chất nào đó, nhưng thực sự nó không phải là như vậy. Ở trong bài nguyện này có viết một câu rằng “cõi Tịnh Độ Cực Lạc không thể nhìn thấy được bằng mắt phàm, nhưng có thể nhìn được bằng tâm thanh tịnh.” Điều này mang một ý nghĩa rất sâu sắc bởi vì đây không phải là một cõi vật chất nhìn được bằng mắt phàm, mà chúng ta chỉ có thể nhìn được cõi này và cảm ứng được cõi này thông qua tâm thanh tịnh của chúng ta. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, có được tri kiến thanh tịnh thì chúng ta tức khắc sẽ nhìn được cõi Tịnh Độ.
Thầy kể lại câu chuyện về một người đệ tử của Thầy, cô tên là Emily, cô đã từng tu tập ở trên núi thiêng Lapchi, và cô kể lại chuyện rằng… Đôi khi trong lúc cô thiền định, toàn bộ núi thiêng Lapchi hiện ra như một cõi Tịnh Độ và nó thực sự hiện ra như vậy trước mắt cô. Nhưng đôi khi cõi Tịnh Độ lại biến mất, và Lapchi lại chỉ như là núi Lapchi mà thôi, không có gì đặc biệt cả. Điều này càng chỉ cho chúng ta thấy rằng xuyên qua tri kiến thuần tịnh mà chúng ta có thể thấy được cõi giới đó hiện hữu như thế nào. Vì vậy, thực sự là cõi Tịnh Độ có liên hệ mật thiết với tâm thức bên trong của chúng ta chứ không phải là một cõi giới vật chất nào đó ở bên ngoài. Nếu hiểu được cõi Tịnh Độ có thể cảm ứng và thể nhập xuyên qua tâm thanh tịnh thì chúng ta sẽ không còn hoài nghi là liệu Cõi Tịnh Độ có thực sự hiện hữu hay không. Chúng ta sẽ tin rằng cõi Tịnh Độ là có thật. Làm sao để cắt bỏ được sự hoài nghi này? Điều này thật vô cùng quan trọng và do đó, Thầy hy vọng chúng ta sẽ đọc đi đọc lại tuyển tập này của Chagme Rinpoche.
Thầy nói đôi khi có một số người đã mắc phải một lỗi lầm to lớn. Đó là họ có sự hoài nghi không biết cõi Tịnh Độ có thực sự hiện hữu hay không, cũng giống như không biết cõi địa ngục có thực sự hiện hữu hay không. Tuy rằng họ có phát khởi tín tâm với cõi Tịnh Độ, nhưng họ lại chưa thực sự tin là cõi Tịnh Độ có thể thực sự hiện hữu vì họ cho rằng cõi Tịnh độ là một cảnh giới được thiết lập qua tâm [chỉ là do tâm tưởng], chứ không đích thực hiện hữu. Mà nếu chỉ là to tâm tưởng thì cõi ấy không thể là một thực tại, không thực sự hiện hữu, mà nếu không thực sự hiện hữu [như một thực tại sống động] thì nó đâu có mang được lợi lạc gì đâu? Nhưng chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo tường tận về điều này để giúp chúng ta đến được nơi cõi ấy. Chúng ta cần phải hiểu như sau.
Bây giờ giả sử chúng ta nghĩ đến [và đem cõi thế gian này của chúng ta ra so với] cõi Tịnh Độ. Cuộc đời này, cảnh giới phàm phu này đây, cũng đã được thiết lập bởi tâm của chúng ta, do tâm của chúng ta tạo ra, nhưng cho dù một mặt là do tâm tưởng [nghĩa là mang tánh huyễn ảo] thì mặt khác, cuộc đời này vẫn đang là một thực tại hiện hữu đối với chúng ta. Đúng là đối với một người không bám chấp, không có một chấp trước nào cả, thì họ sẽ thấy cõi này chỉ là môt cõi hư huyễn do tâm tạo mà thôi. Vì tâm tạo ra tất cả nên vào thời điểm chúng ta chưa được sinh ra, chúng ta vẫn còn trong thân trung ấm thì chính tâm thức ở trong thân trung ấm đã tạo ra thân này của chúng ta. Rồi sau đó chính thân này của chúng ta mới tạo ra cõi giới này mà chúng ta hiện đang sống.
Cõi thế gian này có rất nhiều chúng sinh sống trong đó, đều là do cộng nghiệp. Do bởi chúng sinh có những nghiệp giống nhau nên mới cùng sinh vào cõi giới này. Nhưng mặt khác, chúng sinh cũng lại có các biệt nghiệp, hay nghiệp cá nhân khác nhau, nên những đau khổ của chúng sinh lại khác nhau. Dù là biệt nghiệp hay cộng nghiệp, nếu nói cõi thế gian này là do tâm tạo thì coi như cõi thế gian này mang tánh chất hư ảo, không có thật. Nhưng tuy nói là hư huyễn, nhưng đồng lúc cõi thế gian lại thực sự hiện hữu đối với chúng ta, chúng ta vẫn phải sinh vào đó, vẫn sống trong đó và nó vẫn là một thực tại đối với chúng ta. Nghĩa là tuy cõi thế gian này mang tánh chất huyễn hóa, nhưng chúng ta vẫn hiện hữu sinh tồn trong đó. Vậy thì đối với cõi Tịnh Độ chúng ta cũng cần phải suy diễn theo lối nghĩ y như thế. Nghĩa là không khác cõi thế gian, cõi Tịnh Độ mang tánh huyễn hóa nhiệm mầu, nhưng đồng thời, cũng không khác cõi thế gian, cõi Tịnh Độ vẫn là một thực tại, nơi mà chúng ta có thể trải nghiệm và sinh vào.
Tuy là một thực tại nhưng cõi thế gian này sau 100 ngàn năm thì có khi cũng sẽ biến mất, hệt như bong bóng nước. Như vậy nó có thực hay là không có thực? Hiện tại thì nó đang có thực đối với chúng ta [nên ngang đây, ta không thể hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của nó]. Nếu hiểu như vậy về cõi thế gian thì cũng có thể hiểu y như thế về cõi Tịnh Độ.
Cõi Tịnh Độ là một sự phản chiếu của tâm. Vậy nếu tâm của chúng ta tràn đầy vô minh, sân hận và oán ghét, thì tâm ấy sẽ phóng chiếu ra các cõi địa ngục, ngạ quỷ và các cõi thấp khác [chứ chẳng thể phóng ra được cõi Tịnh Độ để cho chúng ta có thể sinh vào]. Còn ngược lại nếu tâm chúng ta thanh tịnh thì cõi Tịnh độ chắc chắn sẽ xuất hiện. Khi chúng ta có lòng từ bi, có tâm Bồ Đề, thì tâm Bồ Đề sẽ phóng chiếu ra cõi Tịnh Độ, và chúng ta cũng có thể hiện hữu trong cõi Tịnh Độ đó y hệt như chúng ta đang hiện hữu trong cõi thế gian. Do đó cái mà chúng ta cần tập trung vào là làm sao để phát khởi được một tri kiến thuần tịnh và làm sao để có thể đóng những dấu ấn hết sức thanh tịnh và từ bi lên trên dòng tâm thức của mình.
Vì muốn có được những dấu ấn như vậy trong dòng tâm thức của mình nên đó là lý do tại sao chúng ta lại hành trì chung với nhau, cùng sắp đặt các bức tượng Phật và những món cúng dường Tam Bảo, cùng cầu nguyện với nhau, cùng trì chú với nhau, cùng giúp cho tâm ô nhiễm, tâm phàm phu của chúng ta được tiêu trừ và giúp trưởng dưỡng những tư tưởng hướng về giáo Pháp. Chúng ta cùng tụng chú của các vị Bổn Tôn, vì chúng ta muốn hình ảnh của các vị Bổn Tôn và âm thanh của các câu chú lưu xuất trong tâm của chúng ta. Khi đã có những dấu ấn như vậy trong tâm thức thì sau này, bất kỳ khi nào chúng ta nghĩ đến các vị Bổn Tôn, Hộ Phật thì các Ngài cũng có thể hiện ra ngay tức khắc trong tâm của chúng ta.
Điều này rất là lợi lạc bởi vì khi chúng ta ra đi khỏi cõi đời này, khi chúng ta bỏ thân xác này và đi vào cõi trung ấm thì khi đó chúng ta chưa có được một thân mới, và thần thức của chúng ta đang phải lang thang mà không có thân tướng. Và khi chưa bị mắc kẹt trong một thân tướng thì lúc đó nếu chúng ta khởi lên một niệm nghĩ đến vị Hộ Phật thì ngay lúc đó chúng ta sẽ trở thành vị Hộ Phật. Bất kỳ cái gì chúng ta nghĩ đến, chúng ta sẽ trở thành cái đó ngay trong khoảnh khắc của thân trung ấm. Vì vậy cho nên nếu tâm thức của chúng ta bị ô nhiễm khi đang ở trong thân trung ấm, chúng ta chỉ nghĩ đến điều ô nhiễm, thì chúng ta sẽ không thể nào chuyển hóa để có thể trở thành một vị Hộ Phật được. Và chúng ta lại tiếp tục bị lang thang trong một tâm thức ô nhiễm tràn đầy sân hận, oán ghét. Vào thời điểm đó, do bởi chúng ta chưa có một thân mới mà chúng ta lại đã bỏ thân cũ rồi, nên nếu tâm thức thanh tịnh thì cõi Tịnh Độ thanh tịnh sẽ hiện đến và Bổn Tôn thanh tịnh sẽ hiện ra, và chúng ta sẽ ở trong cõi giới đó và sẽ trở thành vị Bổn Tôn đó. Đó là lý do vì sao chúng ta trì tụng minh chú và quán tưởng Bổn Tôn.
Một điều quan trọng nữa là động lực tái sinh vào cõi Tịnh Độ của chúng ta. Khi chúng ta phát nguyện tái sinh vào cõi Tịnh Độ, điều quan trọng là đừng chỉ nghĩ rằng tôi muốn tái sanh vào cõi Tịnh Độ, vì nếu chỉ nghĩ về bản thân thì chính điều đó sẽ làm cho việc được tái sinh vào cõi nước Tịnh Độ sẽ trở nên khó khăn. Bởi vì một khi chúng ta phát khởi niệm “tôi sẽ là người vãng sanh” thì có ngã chấp hiện ra trong đó rồi. Và bất kỳ cái gì liên quan đến sự chấp ngã thì đó sẽ là một chướng ngại cho chúng ta, nó sẽ là một dấu ấn tiêu cực cho dòng tâm thức của chúng ta và chúng ta sẽ không thể nào chuyển hóa để trở thành một vị Hộ Phật. Bởi vậy, điều quan trọng để được tái sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc là đừng chỉ nghĩ về bản thân mà hãy luôn nghĩ về tất cả các chúng sinh. Bởi vì cái tôi chính là cái đem lại chướng ngại cho chúng ta, ngăn che chúng ta từ khởi thủy của luân hồi. Cái tôi luôn là một chướng ngại, do đó muốn tái sanh về cõi Tịnh độ thì phải thoát khỏi tất cả những suy nghĩ hướng về cái tôi và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến toàn bộ chúng sinh mà thôi.
NAMO GURU
RINPOCHE
OM AH HUM
Xin hồi hướng công đức này về tất thảy chúng sinh hữu tình.