Nguyên là một vị cổ Phật vì nguyện Đại Bi đã thị hiện làm Bồ Tát trải qua vô lượng vô số kiếp để cứu độ chúng sinh đau thương trong bể khổ.
Trong kinh Lăng Nghiêm chính Ngài đã nói rằng “tôi nhớ vô số kiếp như cát sông Hằng về trước có đức Phật ra đời hiện là QUÁN THẾ ÂM NHƯ LAI. Lúc bấy giờ tôi phát bồ đề tâm, trước đại hội Như Lai liền dạy tôi nên từ nơi tam học “Văn, Tư, Tu” mà chứng nhập “Chánh Địa”. Sau cùng Quán Thế Âm Như Lai khen ngợi tôi khéo chứng được pháp môn “Viên thông” và thụ ký cho tôi tên là QUÁN THẾ ÂM, vì tôi nghe tiếng trong mười phương đều được thông suốt.
Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm ghi chép rằng: Thuở đời quá khứ từ vô lượng kiếp trước nhẫn lại đây, Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực đại bi nên hiện thân Bồ Tát, tu tập không biết bao nhiêu pháp môn Đà La Ni để tiêu tai giải ách và tăng trưởng phúc tuệ cho chúng sanh. Lúc đức Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai ra đời có thuyết chú Đại Bi, đức Quán Thế Âm nhờ nghe thần chú mà đương ở bậc Sơ Địa Bồ Tát vượt chứng lên đến bậc Bát Địa Bồ Tát, thân tâm hoan hỷ, phát nguyện rộng lớn, thọ trì thần chú, độ thoát chúng sanh, nhơn từ đó tự thân sanh ra ngàn tay ngàn mắt. Vì thế chú Đại Bi mà chúng ta hằng ngày trì tụng có tên là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni.
Kinh Bi Hoa thuật rằng: hằng hà sa số kiếp trước, Ngài là vị thái tử Bất Thuấn (có nơi chép là Bất Huyến) con vua Vô Chánh Niệm. Thời ấy có đức Bảo Tạng Như Lai tại thế. Vua và thái tử nghe Phật thuyết pháp, am hiểu giáo lý cao siêu, hoan hỷ phát nguyện tu hành. Sau vua Vô Chánh Niệm thành Phật A Di Đà và thái tử thành Bồ Tát Quán Thế Âm ở cõi Cực Lạc.
Theo kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thụ Ký thì vô lượng kiếp về sau, lúc Phật A Di Đà nhập diệt, cõi Cực Lạc sẽ đổi thành tên là “Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu” càng thêm tốt đẹp hơn trước và Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ thành Phật hiệu Biến Xuất Thế Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai.
Lại nữa trong kinh Quán Âm Tam Muội đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị cổ Phật và xưa kia chính đức Thế Tôn đã từng làm đệ tử của vị cổ Phật ấy.
Thập Nhị Nguyện Lớn của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát
1. Nam Mô hiệu Viên-Thông, danh Tự Tại, Quan-Âm Như Lai quảng-phát hoằng thệ nguyện.
Được xưng tặng là "Hiểu biết đầy đủ", "Tự tại thong dong hoàn toàn", Ngài đem pháp tu hành mà khuyên độ khắp cùng.
2. Nam-mô nhứt niệm tâm vô quái ngại, Quan-Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện.
Ở trong một niệm tâm được tự tại vô ngại, Ngài nguyện thường ở biển phương Nam (Nam Hải) để cứu độ chúng sinh.
3. Nam-mô trú Ta-Bà U-Minh giới Quan Âm Như-Lai tầm thinh cứu khổ Nguyện
Luôn Luôn ở cõi Ta Bà và cõi U-Minh, Ngài cứu độ kẻ nào kêu cầu tới Ngài.
4. Nam-mô hàng tà ma, trừ yêu quái Quan Âm Như-Lai năng trừ nguy hiểm nguyện.
Trừ khử loài tà ma, yêu quái, Ngài có đủ sức cứu người gặp nguy hiểm.
5. Nam-mô thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quan Âm Như-Lai cam-lộ sái tâm nguyện.
Ngài lấy nhành dương liễu dịu dàng nhúng vào nước ngọt mát trong cái bình thanh tịnh để rưới tắt lửa lòng của chúng sinh.
6. Nam-mô Đại-Từ bi năng hỉ xả, Quan Âm Như-Lai thường hành bình đẳng nguyện.
Thương xót người đói và sẵng lòng tha thứ, Ngài không phân biệt kẻ oán người thân, tất cả đều coi như nhau.
7. Nam-mô trú dạ tuần vô tổn hoại, Quan Âm Như-Lai thệ diệt tam đồ nguyện.
Đêm ngày đi khắp đó đây để cứu giúp chúng sinh ra khỏi các sự tổn hại, Ngài nguyện cứu vớt chúng sinh ra khỏi ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh.
8. Nam-mô vọng Nam nham cầu lễ bái, Quan Âm Như-Lai, già tỏa giải thoát nguyện.
Nếu ai quay về núi hướng nam mà hết lòng cầu nguyện thì dầu có bị gông cùm xiềng xích cũng được thoát khỏi
9. Nam-mô tạo pháp-thuyền du khổ hải, Quan Âm Như-Lai độ tận chúng sinh nguyện.
Dùng phép tu hành để làm chiếc thuyền, Ngài đi cùng trong biển khổ để độ hết chúng sinh.
10. Nam-mô tiền tràng phan, hậu bảo cái, Quan Âm Như-Lai tiếp dẫn Tây Phương nguyện.
Nếu ai cầu nguyện và tu hành theo Ngài chỉ dẫn, khi rời bỏ xác thân này thì sẽ có phướng dài đi trước, tàng lọng quý giá theo sau, để rước về Tây Phương.
11. Nam-mô Vô Lượng Thọ Phật cảnh giới, Quan Âm Như-Lai Di Đà thọ ký nguyện.
Ở cảnh giới của Đức Vô Lượng Thọ (tức Phật A Di Đà), Ngày đã được cho biết trước là về sau Ngài sẽ thay thế Đức Phật A Di Đà ở ngôi vị đó.
12. Nam-mô đoan nghiêm thân vô tỉ trại, Quan Âm Như-Lai quả tu thập nhị nguyện.
Được thân hình nghiêm trang không ai so sánh được với Ngài, ấy là kết quả của sự tu theo mười hai lời nguyện lớn ấỵ
Kính mong Phật Tử trì tụng chú Đại Bi và Kinh Ngũ Bách Danh cùng niệm danh hiệu của Ngài trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh và thiêng liêng của ngày hôm nay
Với thập nhị hạnh nguyện đại từ đại bi - ban vui và cứu khổ, Ngài là chỗ nương tựa của vô lượng chúng sinh gặp cơn khổ nạn. Đức hạnh của Ngài thật không thể dùng lời nào để tán thán.
Chúng con chỉ có thể một lòng thành kính đỉnh lễ trước tâm lợi tha quảng đại của Ngài và nguyện học theo hạnh đức của Ngài
🙏❤️🙏❤️🙏
Tâm Đăng lược biên 28.7.2021
2. Nghi quỹ tu trì giản lược của ĐỨC AVALOKITESHVARA QUAN ÂM TỨ THỦ
(Quan Âm Tự Tại)
Chủng tử tự: SHRI
Tâm chân ngôn: OM MANI PADME HUNG
Đức Quan Âm Tứ Thủ có một mặt là biểu trưng cho thông đạt Pháp tính, bốn tay là biểu trưng cho Tứ Vô Lượng Tâm, thân sắc trắng như trăng rằm biểu hiện sự thanh tịnh vô nhiễm, đoạn trừ hai chướng ngại. Đầu đội Bảo Quan Ngũ Phật, tóc màu đen tuyền. Hai tay trì giữ ngọc Mani. Tay phải cầm tràng hạt, tay trái cầm hoa sen. Khuôn mặt an tịnh mỉm cười nêu biểu mắt trí tuệ của hết thảy Bồ tát, trừ bỏ tất cả nghi hoặc của chúng sinh để giải thoát, đáp ứng hết thảy mọi cần cầu của chúng sinh. Thân Ngài trang sức bằng sáu trang hoàng và thiên y ngũ sắc. Ngài an toạ trên nguyệt luân hoa sen. Thân Ngài tỏa chiếu ánh hào quang rực rỡ.
Để thực hành đúng pháp
Để thực hành đúng pháp và đạt được thành tựu, hành giả cần chắp tay và đọc theo 3 lần câu Chân ngôn trong video sau.
Tiếp đến hãy trì tụng ngay 1 tràng (108 biến) Chân ngôn Đức Phật Quan Âm Tứ Thủ, đánh thức tình yêu thương, lòng từ bi, trí tuệ và trưởng dưỡng những phẩm hạnh siêu việt nơi mình.
Thực hành thường nhật
Hàng ngày, bạn hãy thực hành theo nghi quỹ tu trì giản lược
Hãy trì tụng Chân ngôn Đức Phật Quan Âm Tứ Thủ càng nhiều càng tốt (tối thiểu là 1 tràng) để thành tựu phương tiện trí tuệ, trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn giúp tiêu trừ tai ương, chướng nạn. Tăng trưởng vô số công đức, tài bảo sung mãn và đem lại trường thọ..
Hello World! https://nzkmc8.com?hs=138e135147820c917469024e386182b5& Trả lời
22/11/2022ockq86