TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP

TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP

Viết bởi: Chân Tâm Ngày đăng: 24/03/2021

TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP

(Sư Ông Trúc Lâm)

Từ lâu, chúng ta thường nghe nói gieo nhân nào thì chịu quả nấy, tức là ai tạo nhân gì thì phải thọ quả báo đúng như vậy, không sai. Song, trong kinh Phật có dạy như vậy không? Đây là điều mà chúng ta phải tìm hiểu cho tường tận, vì đa số người mới tu đều nghĩ rằng: Xưa kia làm điều tội ác, ngày nay tu hành là mong giảm bớt khổ đau. Nhưng, nếu trước đã gây nhân nào sau phải chịu quả nấy thì tu để làm gì? Tu cốt cho hết khổ, mà nếu gây nhân nào phải thọ nhận quả nấy thì tu đâu có hết khổ? Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa nông cạn, đơn giản là tác nhân nào thọ quả nấy thì sẽ thối tâm không tu được. Lý nhân quả của đạo Phật không cố định là tác nhân nào thọ quả nấy, mà cũng không phải tác nhân mà không thọ quả, nó rất phức tạp.

Kinh A Hàm Phật có dạy: Người gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy. Đó là nhân nào quả nấy và gây nhân mà biết chuyển nghiệp thì quả cũng đổi thay.

Phật có ví dụ một nắm muối nếu hòa tan trong tô nước lạnh thì tô nước ấy mặn không uống được. Cũng nắm muối đó, nếu hòa tan trong lu nước lớn dung lượng độ vài ba trăm lít thì nước trong lu sẽ uống được, nhưng vị nước hơi mẳn mẳn. Và nếu nắm muối đó hòa tan trong một hồ nước dung tích bốn năm ngàn lít, nước không còn mặn, dùng xài bình thường. Nhân bất thiện là dụ cho vị mặn của nắm muối hòa tan trong tô nước thì quả cũng mặn không giải khát được. Nếu nhân mặn của mắm muối hòa tan trong lu nước thì quả mặn loãng ra, nước có thể tạm giải khát được. Nếu nhân mặn của mắm muối hòa tan trong hồ nước lớn, thì quả mặn không thấm vào đâu, nước dùng xài bình thường.

Cũng vậy, người mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm tạo nhân ác thì trả quả ác nguyên vẹn dụ như nắm muối tan trong tô nước, không giải khát được. Nếu người biết tu thân, tu giới thì dụ như nắm muối tan trong lu nước, tuy vị nước mẳn nhưng cũng tạm dùng được. Còn người biết tu thân, tu giới, tu tâm dụ như nắm muối tan trong hồ nước to, vị nước không mặn, dùng xài bình thường. Vậy, nếu tu thân, tu giới, tu tâm thì nghiệp quả sẽ chuyển sẽ chuyển không thọ đúng như khi gây nhân. Như vậy nếu gây nhân ác mà không biết tu, không chuyển nghiệp thì tác nhân nào thọ quả ấy không sai chạy. Nếu gây nhân ác biết tu thân, tu giới là có chuyển nghiệp thọ quả báo nhẹ hơn. Còn gây nhân ác biết tu thân, tu giới, tu tâm gần như chuyển hoàn toàn. Cho nên tu là chuyển đau khổ được an vui.

Kiểm lại, chúng ta từ nhỏ đến già, không ai là người hoàn toàn thiện lành, cũng có lúc người này làm người kia khóc than, cũng có lúc người kia làm người nọ oán hận. Như vậy, là đã tạo nhân xấu. Nếu hiện tại tu mà vẫn trả quả xấu như cũ thì tu có lợi ích gì? Thế nên phải biết, tu là chuyển quả xấu, tuỳ theo sức huân tu nhiều hay ít mà quả tuỳ theo đó chuyển đổi.

Sau đây, Phật dạy: Có một gia chủ nuôi một bầy dê, một hôm có người thường dân tới trộm dê, bị gia chủ bắt được đánh, đưa ra pháp luật bỏ tù. Lần khác, kẻ trộm dê là người người của quan lớn sai tới, gia chủ chỉ bực tức nói năng đôi lời chớ không đối xử thậm tệ như người thường dân trước. Kế tiếp, kẻ trộm dê do lính của vua sai đến, thì gia chủ không dám nói nặng nhẹ gì cả mà chỉ van xin năn nỉ đừng bắt dê. Trong ba trường hợp trên chứng minh rằng: Người không biết tu thân, tu giới, tu tâm gây nhân bao nhiêu thì phải trả quả bấy nhiêu. Vì vậy mà nói nhân nào quả nấy, đó là dụ người thường dân trộm dê không thế lực.

Trường hợp người trộm dê là lính của quan thì chỉ bị trách móc nặng nhẹ. Đó là dụ cho người biết tu thân, tu giới, tuy có tạo nhân ác nhưng thọ quả báo nhẹ hơn.

Trường hợp người trộm dê là lính của vua, thì không bị đánh đập, không bị nói nặng nhẹ. Đó là dụ cho người tuy có tạo nhân ác nhưng biết tu thân, tu giới, tu tâm thì nghiệp quả được hoá giải.

Như vậy để thấy cùng tạo nhân ác, tùy theo khả năng tu tập cao thấp mà thọ quả sai khác. Nếu biết tu thì quả liền chuyển, không cố định như người không biết tu. Khi biết rõ người có tu thân tu giới tu tâm thì sẽ thoát được những nghiệp quả đã gây trước kia; tuy nói thoát mà không phải hết hoàn toàn. Nghĩa là nắm muối vẫn hòa tan trong hồ nước, song vì nước trong hồ quá nhiều nên không thấy mặn.

Cũng như chú lính của nhà vua trộm dê, tuy chủ dê không đánh đập không nói nặng nhẹ, nhưng trong lòng chủ nhà không vui, không cảm tình. Đó là nhân quả sai biệt theo khả năng tu tập.

Thế nào là tu thân tu giới tu tâm?

Tu thân là nơi thân này không làm điều ác, tất cả mọi điều ác dù lớn hay nhỏ đều phải tránh, còn mọi điều thiện phải cố gắng làm, luôn luôn nhớ và làm đó là biết tu thân.

Tu giới là Phật tử tại gia, sau khi quy y rồi, Phật dạy phải giữ năm giới:

1/ Không sát sanh: Là không được giết người. Vì ai cũng muốn sống thì mạng sống phải được tôn trọng, không nên giết mạng sống của người. Nếu giết mạng sống của người thì bị luật pháp trừng trị. Vì tôn trọng mạng sống của mình nên phải tôn trọng mạng sống của người. Đó là lẽ công bằng, trái với lẽ công bằng là tội lỗi.

Ngoài ra, đối với những con vật lớn như trâu bò heo chó tránh được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu. Chủ yếu là không giết người.

Một là tự tay mình giết. Ví dụ mình oán thù ai thì tự mình đến giết người đó chết.

Hai là sai bảo người khác giết, ví dụ mình oán thù người nào, mình không trực tiếp giết được bèn xúi bảo hay mướn người khác giết.

Ba là hoan hỷ khi nghe thấy giết. Ví dụ mình oán thù người nào đó tự mình không giết được, khi thấy nghe người đó bị giết, mình vui mừng thích thú.

Như thế là phạm tội sát sanh. Vì tự tay giết là thân tạo nghiệp ác, sai bảo người giết là miệng tạo nghiệp ác, nghe thấy người giết sanh tâm vui mừng là ý tạo nghiệp ác, nên Phật cấm không cho Phật tử làm.

2/ Không được trộm cướp: Phàm của cải của người khác, chẳng được không cho mà lấy từ một cây kim, một ngọn cỏ cũng vậy, tất cả các vật chẳng được không cho mà lấy. Hoặc trộm lấy, hoặc cướp giựt, hoặc lừa gạt mà lấy, cho đến trốn xâu lậu thuế cũng đều gọi là trộm cắp.

3/ Không tà dâm: Người Phật tử sau khi lập gia đình có đôi bạn rồi mà mình còn đi ngoại tình với người khác là phạm tội tà dâm. Vì đó là duyên cớ làm cho gia đình mất hạnh phúc, làm cho gia đình tan vỡ, là cái nhân gây đau khổ cho mình cho người, vì vậy mà Phật cấm.

4/ Không nói dối: Nói dối có bốn trường hợp phạm tội.

a) Chuyện có nói không, chuyện không nói có, cốt lừa gạt để lấy tiền lấy của người.

b) Nổi giận nói lời hung dữ, thô ác mắng chửi người, vu oan người.

c) Dùng lời hoa mỹ văn chương thêu dệt để lừa gạt người.

d) Nói đâm thọc làm cho đôi bên bất hòa thù oán nhau.

Đó là những trường hợp nói dối thì phạm tội. Nếu nói dối để cười cho vui, hoặc để trấn an người bệnh người khổ, hoặc để cứu mạng người thì không phạm.

5/ Không uống rượu: Nói đơn giản là rượu, ngoài ra các thứ như á phiện, xì ke, ma túy đều không được dùng. Vì nó là cái nhân sanh ra bệnh hoạn, làm cho tiêu tán tài sản, mất hết trí tuệ. Nhưng, nếu vì lý do đau bệnh, cần phải uống thuốc rượu để trị bệnh thì được phép uống.

Phật dạy giữ năm giới là vì lòng từ bi, sợ chúng sanh vi phạm thì bị đau khổ. Nên giữ gìn không phạm thì được an vui.

Trích "TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP" - HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ

Viết bình luận của bạn:

icon icon icon icon icon icon