TRONG TẤT CẢ CÁC NGHIỆP, NGHIỆP NÀO NẶNG NHẤT ?

TRONG TẤT CẢ CÁC NGHIỆP, NGHIỆP NÀO NẶNG NHẤT ?

Viết bởi: Chân Tâm Ngày đăng: 29/03/2021

VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT hỏi PHẬT: Trong tất cả các nghiệp, nghiệp nào nặng nhất?

PHẬT đáp: Trong tất cả các nghiệp, sát sanh hại mạng, ăn thịt chúng sanh là tội nặng nhất. Tại sao vậy? Vì xẻo một dao phải trả một dao, giết một mạng phải đền một mạng. Ngàn vạn đời ăn nuốt lẫn nhau mãi mãi. Vậy nên, Bồ Tát muốn thoát luân hồi, trước hết phải tập hạnh từ bi, chẳng ăn thịt chẳng sát sanh.

Thứ hai là trộm cắp, phá hại sự giàu sang của người; vốn ít lời nhiều; cho nên muôn ngàn kiếp phải đền nợ cũ. Tại sao vậy? Vì vật thuộc kẻ khác, không cho mà tự lấy, đồng tiền, hạt gạo đều phải trả lại. Cho nên, người tu đạo Bồ Tát, muốn có nhiều của cải, được giàu sang như ý muốn, thì trước hết phải tu hạnh bố thí; sao lại trộm cắp, dối gạt người?

Thứ ba là phạm tội dâm dục; ân ái buộc ràng trong muôn ngàn kiếp, không thể giải thoát. Tại sao vậy? Vì dâm dục là hạt giống chính thức của sanh tử (sanh tử luân hồi), trước hết phải đoạn trừ ái dục.

Thứ tư là phạm tội vọng ngữ, khẩu nghiệp vu khống, hủy báng lẫn nhau, muôn ngàn đời phải trái chống nhau, cãi nhau. Tại sao vậy? Vì oan oan tương báo, đời đời muốn nuốt lẫn nhau bằng lời nói. Cho nên, Bồ Tát muốn đắc đạo, trước hết phải thành thật, trừ khử dối trá.

Thứ năm là phạm tội uống rượu. Rượu làm mê mờ chân tánh, muôn ngàn vạn kiếp tâm trí tối tăm. Tại sao vậy? Vì rượu có năng lực làm cho tâm trí ám độn, đời đời ngu si, thân thể hôi hám, say sưa nghiêng ngửa. Vậy nên, Bồ Tát muốn cho tinh thần định tỉnh, trí huệ thông minh thì phải dứt nghiệp uống rượu.

Năm nghiệp này rất lớn rất nặng. Người giữ trọn đặng thì thành Thánh, bằng giữ chẳng trọn thì nhiều kiếp trầm luân đọa lạc, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.

⁉️VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT hỏi PHẬT: Thế nào gọi tu chứng được sáu pháp Ba La Mật?

➡️PHẬT đáp: Nếu chúng sanh nào bỏ rượu thịt không dùng, hay bỏ tài lợi không tham, hay bỏ ân ái không luyến, hay bỏ những ác không làm, hay bỏ nhơn ngã không tranh. Người ấy gọi là kẻ được đệ nhất Bố thí ba la mật.

Lại nữa, nếu có chúng sanh nào hay giữ giới của Phật không phạm, hay tập oai nghi của Phật, hay hàng phục được sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), hay đoạn trừ được tà mị. Người ấy gọi là được đệ nhị Trì giới ba la mật.

Lại nữa, nếu có chúng sanh nào hay chịu được người chê bai, hay nhịn được người mắng nhiếc, hay lấy chơn chánh đối với tà phi, hay lấy thuận thảo đối với trái nghịch; không những hoàn toàn không oán hận, mà còn tìm cách cứu độ kẻ thù. Người ấy gọi là kẻ được đệ tam Nhẫn nhục ba la mật.

Lại nữa, nếu có chúng sanh nào hay học được mười hai bộ kinh của Như Lai, thọ trì (y giáo tu hành), đọc tụng, viết chép, giảng giải; chưa thông cần phải thông, chưa chứng cần phải chứng. Người ấy gọi là kẻ được đệ tứ Tinh tấn ba la mật.

Lại nữa, nếu có chúng sanh nào hay đoạn được trần duyên, hay dứt được vọng niệm, hay trừ được hôn trầm, tán loạn, hay tu thiền định, sức định vững vàng như núi, tà ma quấy rối không tán loạn. Người ấy gọi là kẻ được đệ ngũ Thiền định ba la mật.

Lại nữa, nếu có chúng sanh nào hay phá được vô minh, không chấp các tướng, giáo lý Phật Pháp đều thông, bặt dứt hết thị phi, ngôn ngữ đứng đắn, văn tự rõ ràng. Người ấy gọi là kẻ được đệ lục Trí huệ ba la mật.

Nếu người nào hay đầy đủ sáu pháp ba la mật ấy, thì người đó đã ra khỏi sanh tử, đến bờ giải thoát bên kia; gọi là vượt ra ba cõi (thoát luân hồi), lên Thập địa, vào Kim Cang thành Chánh Giác.

⁉️VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT hỏi PHẬT: Hành trì như thế nào mà được gọi là thiện tri thức?

➡️PHẬT đáp: Người thiện tri thức tâm tánh nhu hòa, giới hạnh tinh chuyên, không tham lam, không tật đố, không luyến tiếc vật chất, tâm hành bình đẳng, ý không thương, không ghét; có phương tiện rộng lớn độ mình, độ người, tùy theo căn tánh của mỗi người mà giáo hóa, đủ đại tổng trì, hảo tâm với người, làm ơn không cầu trả, tu hành thanh tịnh, không có lỗi lầm; thuyết pháp luận nghĩa đều hợp ý kinh. Đủ các hạnh ấy gọi là thiện tri thức.

Lại có trí huệ hơn người, phước đức xuất chúng, không có việc gì không lành, không có pháp gì không biết; làm tai mắt cho trời, người; làm rường cột trong Phật Pháp; giữ quyền hành của Phật Tổ, làm lãnh tụ của pháp môn, mở cửa Chánh Đạo (Phật Đạo), lấp đường tà ma, làm cho Chánh Pháp (Phật Pháp) thạnh hưng, trí huệ Phật đời đời miên viễn thơm lây; dùng tâm ấn tâm, lưu truyền mãi mãi, căn cơ rộng lớn, diệu dụng rộng lớn, hạnh nguyện rộng lớn, uy thế rộng lớn, ấy là chơn chánh đại thiện tri thức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật

Nam Mô Đại Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Nam Mô Kim Cang Tạng Mật Tích Tứ Đại Thiên Vương Hộ Pháp Tạng Bồ Tát

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Xin Hãy Thường Niệm

( Trích Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận)

Nguyện đem công đức này hồi hướng về khắp tất cả pháp giới, đệ tử và chúng sanh đều tròn thành phật đạo.

Niệm Phật Là Nhân

Thành Phật Là Quả

Chí Thành Tất có cảm ứng

Chí Kính Tất có cảm thông

Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật

Từ Bi Bao trùm khắp Pháp giới vũ trụ

Thiện ý đối đãi khắp nhân gian.

Viết bình luận của bạn:

icon icon icon icon icon icon