TẤT CẢ CÁC PHÁP MÔN, KHÔNG CÓ PHÁP NÀO CAO, KHÔNG CÓ PHÁP NÀO THẤP
Có khi một pháp đơn giản nhất lại hiệu lực nhất bởi vì phù hợp nhất với căn cơ của hành giả. Nếu không tìm ra được pháp môn phù hợp sẽ không lợi ích. Điều này cũng ví như chúng ta bị đau đầu thì phải tìm thuốc chữa đau đầu để uống. Nếu lúc đó chúng ta uống thuốc đau bụng thì lại bị khổ khổ, hai trận đau liên tục.
Vì tâm nguyện từ bi của chư Phật nên mỗi pháp môn tu tập đều có những công dụng hiệu lực khác nhau. Người thiếu hạnh phúc phải tu tập về Đức Quan Âm để trưởng dưỡng hạnh phúc bên trong và sau đó thì sẽ giúp đỡ người khác bằng hạnh phúc bên ngoài. Người thiếu trí tuệ chắc chắn phải trưởng dưỡng trí tuệ bằng cách trì tụng Đức Văn Thù, quán chiếu tu tập về hình ảnh, biểu tượng Đức Văn Thù. Chính vì vậy mỗi chân ngôn, mỗi Mật ấn, mỗi hình sắc biểu tượng tu tập Mật thừa đều giúp viên mãn tâm nguyện cảm ứng không thể nghĩ bàn.
Các pháp môn cũng như chân với tay, tay phải và tay trái. Chúng ta không thể chê bai Nguyên thủy Phật giáo và Đại thừa, Thiền Tông hay Mật Tông. Việc chê bai đó cũng giống như cùng hai tay một thân mà chúng ta cứ dùng tay này đánh tay kia. Giáo pháp của Đức Phật là do bi nguyện của chư Phật cho nên nếu chúng ta phân biệt chê bai là hủy báng, phủ nhận lòng từ bi của Phật.
Tịnh độ tông
Trong pháp môn tu tập Tịnh độ, các Ngài chú trọng về sự thanh tịnh của vạn Pháp, thanh tịnh của tự tính Phật cho nên các Ngài phải niệm Phật, Tam muội niệm Phật nhất tâm và nghĩ về cảnh giới Tịnh Độ để tâm mình thanh tịnh, cầu xin vãng sinh Tịnh Độ để khi xả báo thân này có thể tiếp tục con đường tâm linh thành tựu giác ngộ. Cõi Tịnh Độ không phải là nơi chỉ có ăn uống, ngủ nghỉ mà đấy là trường học để rèn luyện tâm linh, trường học hoàn hảo có Đức Phật giảng pháp, có những công đức chúng ta tích lũy bằng cách cúng dàng, bằng cách nghe pháp để đạt được giác ngộ.
Nhiều người cho rằng đấy là yếm thế, tự nhiên trốn cảnh vào cõi Tịnh Độ. Suy nghĩ như vậy là chưa thấu đáo, những người đó chưa thấu được nguồn gốc của đau khổ, chưa hiểu được mất thân này rồi chúng ta sẽ đi đâu? Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa có dạy: “Tôi thấy ngày nay người ta dễ dàng tin vào ma quỷ nhưng lại không tin Phật hiện diện. Đấy là một điều phi lý, ma quỷ có thì chắc chắn là Phật có. Tại sao lại chỉ tin ma quỷ thôi? Tại sao lại bài bác cõi Tịnh Độ như vậy khi mà không hiểu Tịnh Độ là gì?”. Hành giả tu Kim cương thừa nhưng đừng bám chấp cho rằng mình đang ở cấp độ cao mà sinh tâm kiêu mạn. Bạn đang tu gộp một lúc mấy pháp môn nên chúng ta phải biết mình là ai, đang ở căn cơ nào, đừng cao ngạo, vì sự cao ngạo đấy phá hủy tất cả công đức trí tuệ rồi chúng ta sai lạc, tu lạc đạo không cứu được.
Thiền tông
Thiền tông chú trọng vào tính không của sự giác ngộ, coi sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp như tro nguội. Thiền tông chú trọng vào sự bất động của tính Phật, đó là khía cạnh của tính không.
Mật thừa
Mật thừa hợp nhất sự hỷ lạc với tính không, lấy sáu trần làm đại sự giải thoát. Hành giả Mật thừa tu tập không chỉ an trụ tự tính tâm mà dùng sáu giải thoát qua các giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,… cũng để tịnh hóa nghiệp chướng, sử dụng các giác quan để trải nghiệm tự tính của cảm xúc. Ví dụ trong khóa lễ cúng dàng, các Phật tử phải nhìn hình ảnh chư Phật, Mandala, tai phải nghe âm nhạc, cùng lúc các vị sư sẻ chia đồ uống để chúng ta nếm, tay chúng ta chạm vào các biểu tượng công đức,… Tất cả điều này là sự kích hoạt và tịnh hóa một lúc sáu căn, giúp hành giả trải nghiệm pháp vị giải thoát. Mật thừa như vậy không chỉ hướng nội mà nhấn mạnh vào sự hợp nhất năng động diệu dụng của vạn pháp. Đấy cũng là lý do tại sao tu tập Mật thừa có thể thành tựu nhanh chóng.
Nhưng nếu không có sự hướng đạo một cách chuẩn mực, người tu Mật thừa rất dễ lạc vào thế giới của huyền thuật, thần thông sai lạc. Bởi vì những năng lượng bên trong của cơ thể nếu không được hướng dẫn thực hành đúng cách sẽ dễ khiến chúng ta bị tẩu hỏa nhập ma. Tẩu hỏa nhập ma chính là sự rối loạn thân tâm, không biết đường tu tập để tiến bước tiếp trên con đường giác ngộ. Hành giả Mật thừa bên ngoài phải trì giữ giới luật nghiêm cẩn, bên trong phải xả bỏ tất cả những sự phân biệt nhị nguyên. Người tu Mật thừa là người tu mật hạnh, sự thành tựu của mình không được nói ra, kể cả với bạn đạo, trừ những bậc Giáo thọ hay bậc Thượng sư giác ngộ của mình. Nếu đem chuyện tu tập của mình ra nói khoe khoang thì phạm Tam muội da vì đã kích động tâm bản ngã.
Nguồn: Drupavietnam.org
TẤT CẢ CÁC PHÁP MÔN, KHÔNG CÓ PHÁP NÀO CAO, KHÔNG CÓ PHÁP NÀO THẤP
Viết bởi: Chân Tâm
Ngày đăng: 06/04/2021
Các tin khác
- DƯỢC SƯ CĂN BẢN NGHI QUỸ PHÁP TU TRÌ GIẢN LƯỢC 31/07/2021
- GIỚI THIỆU VÀ HƯỚNG DẪN NGHI QUỸ TU TRÌ GIẢN LƯỢC ĐỨC QUAN ÂM TỨ THỦ 31/07/2021
- GIỚI THIỆU VÀ NGHI QUỸ TU TRÌ LỤC ĐỘ PHẬT MẪU TARA - ĐỨC TARA XANH - GREEN TARA 31/07/2021
- ĐỨC PHẬT GIẢI ĐÁP VỀ SỰ CÚNG THÍ TỔ TIÊN VÀ NGẠ QUỶ 08/07/2021
- 9 CÔNG NĂNG CỦA THẦN CHÚ OM AH HUNG 08/07/2021
- KHI HÀNH TRÌ NGHI QUỸ, CHỈ TỤNG BẰNG TIẾNG VIỆT VÀ KHÔNG TỤNG BẰNG TIẾNG KHÁC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? 08/07/2021
- PHÁP SÁM HỐI DIỆT ĐỊNH NGHIỆP CHÂN NGÔN CỦA NGÀI ĐỊA TẠNG 08/07/2021