NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM: DẪN THIỀN ĐỊNH CẦU KHẨN ĐỨC PHẬT CỦA TÂM ĐẠI BI QUAN ÂM TỨ THỦ

NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM: DẪN THIỀN ĐỊNH CẦU KHẨN ĐỨC PHẬT CỦA TÂM ĐẠI BI QUAN ÂM TỨ THỦ

Viết bởi: Chân Tâm Ngày đăng: 11/05/2021

Thiền định trên bất cứ nguồn sức mạnh nào cũng có thể giúp chúng ta rộng mở tâm bi, giống như gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ. Đặc biệt mạnh mẽ là thiền định về một vị thiêng liêng, như hình ảnh của sự cảm hứng. Bài tập đặc biệt tôi sẽ mô tả việc cầu khẩn Ngài Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), đức Phật của tâm đại bi. Sự tiếp cận và nội dung của sự quán tưởng này tương tự với những bài tập khác có thể dẫn chúng ta đến sự rộng mở. Điều then chốt ở đây là ý định mở rộng tâm chúng ta. Dù đôi khi chúng ta khó cảm nhận tâm bi trong cuộc sống hàng ngày, thì tự thân ý định đã là sự chữa lành hiệu quả.

Khởi dậy quán tưởng này với càng nhiều chi tiết nếu bạn có khả năng, thiền quán về hình ảnh với một sự thư giãn nhưng tập trung nhiệt thành. Hiến mình vào thiền định, sao cho tỉnh giác và hình ảnh là một.

Hãy tưởng tượng bạn ở một chỗ cao như là ngọn núi, nhìn vào bầu trời vô hạn. Hít một hơi thở sâu, và an trú với sự rộng mở này trong bao lâu tùy bạn muốn, giải thoát khỏi tất cả những căng thẳng tâm lý và lo nghĩ.

Đức Quán Thế Âm hiện ra từ bầu trời rộng mở trước bạn, trong sự an bình và tạo cảm hứng nhất, và trong một hình dạng đẹp đẽ nhất mà bạn có thể tưởng tượng được. Thân Ngài màu trắng, chiếu sáng rực rỡ, giống như một núi tuyết hay pha lê chiếu sáng hàng ngàn tia sáng mặt trời.

Ngài trang hoàng bằng lụa và châu ngọc, ngồi trên một đĩa mặt trăng giữa một hoa sen đẹp đẽ. Đức Phật ngồi vững chãi, biểu tượng trạng thái bất động của Phật tánh.

Trong sự thiền quán này, đức Phật có bốn tay, rải từ bi vô biên cho tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Hai bàn tay thứ nhất của Ngài chắp lại ở ngực trong một cử chỉ biểu tượng nhất thể của Niết bàn và luân hồi - sự hợp nhất giữa giác ngộ và đau khổ của thế gian, sự hoàn thiện của mọi sự vốn như vậy, bao gồm những đấu tranh và sự vô thường thế gian. Trong hai bàn tay chắp lại Ngài giữ một viên ngọc như ý, tượng trưng cho “những phương tiện thiện xảo” thỏa mãn nhu cầu cho tất cả chúng sanh rộng mở với cơ hội. Bàn tay phải thứ hai cầm một tràng hạt pha lê biểu tượng tính kiên định của tâm đại bi của Ngài đối với tất cả. Tay trái thứ hai của Ngài cầm một bông sen trắng biểu tượng trí huệ và sự hiểu biết vô biên, vô nhiễm của Ngài.

Đôi mắt Ngài tràn đầy lòng quan tâm và từ ái vô biên, nhìn chăm chăm không nháy mắt vào mọi người trong một tình thương vô điều kiện và không ngừng nghỉ, Ngài là cả hai sự trẻ trung và không tuổi tác, vượt trên tất cả đau khổ, và khuôn mặt đang mỉm cười đầy hoan hỷ giải thoát đau khổ cho mọi người.

Hãy phát triển cảm nhận trong tâm bạn rằng điều này không chỉ là một hình tướng do tâm thức tạo ra, mà là hình tướng thanh tịnh, chân thật của đức Phật đại bi, hiện thân của tất cả chư Phật và những bậc giác ngộ. Hãy tin tưởng vào hình ảnh này như là sự phản chiếu bản tánh thanh tịnh của tự tâm bạn, xuất hiện như đức Phật. Hãy cảm nhận sự hiện diện của Ngài trong trái tim, thân và tâm bạn. Hoan hỷ với những ban phước Ngài đem đến nơi bạn đang sống, đến những người đang sống với bạn, và toàn thể vũ trụ.

Trên mặt đất đối diện đức Quán Thế Âm, hãy quán tưởng tất cả mọi loại chúng sanh vui mừng khôn xiết được hiện hữu trong sự hiện diện của đức Phật. Bây giờ, với một cảm nhận nồng nhiệt, hãy nghĩ rằng tất cả chúng sanh trên trái đất hợp cùng với bạn tụng câu chân ngôn sau đây:

OM MANI PADME HUM HRI

Hay:

OM MANI PADME HUM

Chân ngôn này có thể dịch là “Đức Phật của ngọc báu và hoa sen, chúng con cầu khẩn Ngài”, hoặc rộng nghĩa hơn là “Ôi, đức Phật nắm giữ ngọc báu và hoa sen của đại bi và trí huệ, mong Ngài ban cho chúng con những ban phước.”

Hãy hiến mình trọn vẹn vào âm thanh của sự tụng ca; nói hay hát chân ngôn nhiều lần, theo cách mà bạn tìm thấy sự hứng khởi. Khi bạn làm như vậy, hãy làm tươi mới lại sự quán tưởng của bạn. Với lòng nhiệt thành và sùng mộ, hãy hình dung tất cả chúng sanh ở mọi nơi đều nhìn chăm chú vào đức Phật với đôi mắt mở rộng và hoan hỷ. Âm thanh êm dịu của chân ngôn tràn đầy trong vũ trụ như một bản giao hưởng làm chuyển hóa mọi sắc tướng, âm thanh và ý niệm trở thành sự tán thán đức Phật Đại Bi.

Bây giờ, trong tâm bạn nghe giọng nói êm dịu của đức Phật lặp đi lặp lại rằng: “Tất cả những hành vi và cảm nhận độc hại của con đều hoàn toàn được chữa lành. Bây giờ con thanh tịnh và hoàn thiện. Hãy cảm nhận hạnh phúc và an bình.” Hãy để cho ý nghĩa của những lời này thấm sâu vào lòng bạn, không chỉ như ngôn từ đến và đi mà là một quán đảnh và ban phước thật sự và được cảm nhận sâu sắc.

Bây giờ, những tia sáng rực rỡ của ánh sáng chữa lành chiếu ra từ đức Quán Thế Âm và khi tia sáng chạm vào bạn, lòng bạn hoàn toàn rộng mở tới những người mẹ-chúng sanh chung quanh đức Phật. Những ánh sáng không những có sắc tướng đẹp đẽ, thanh tịnh mà còn là năng lực an bình, ấm áp, phúc lạc và rỗng rang. Ánh sáng từ đức Phật tuôn chảy qua bạn, tới tất cả chúng sanh, xua tan tất cả đau đớn, khổ sở. Hãy để cảm nhận về tĩnh lặng và rỗng rang lan tràn qua bạn. Cảm nhận rằng toàn thể thế gian trở thành một trong tâm đại bi. Sự rắn chắc và lạnh lẽo như băng giá trong tâm thức chưa thuần hóa của bạn được tan chảy, và bằng sức mạnh ánh sáng của đức Phật Đại Bi, thân bạn được chuyển hóa thành ánh sáng thanh tịnh. Ánh sáng của đức Phật giống như một ngàn mặt trời, nhưng không bao giờ làm tổn thương cặp mắt của bất cứ ai; trái lại còn đem đến một cảm giác an bình và giải thoát. Khi ánh sáng vô tận chiếu sáng rực rỡ trong tất cả các phương, vũ trụ hòa tan trong sự an bình nhất thể.

Hãy cảm nhận sự bao la và rỗng rang của vũ trụ. Để cho tất cả tư tưởng và cảm nhận của bạn tan biến vào trong an bình và ấm áp vô tận của đức Phật, trong tâm bi của Ngài không có phân biệt đau khổ và hạnh phúc, xấu hay tốt, đây hay kia, anh hay tôi... Tất cả là một và như nhau trong an bình vĩ đại. Hãy an trú trong sự rỗng rang của tâm chữa lành của bạn. Sau đó bạn có thể lặp lại sự thiền định này nhiều lần khi thích hợp.

Sự thiền định này có thể đổi khác bằng việc sử dụng những dạng của năng lượng chữa lành khác như đã thảo luận trong phần đầu sách này. Ngài Karma Chakme, một đại sư về nghi lễ, cô đọng nhiều thực hành của và những kinh điển phổ thông và thiêng liêng, cũng như những lời dạy bí truyền, trong cách thiền định về đức Phật Đại Bi có thể dùng để chữa lành những bệnh tật thông thường.

Hãy quán tưởng đức Phật ở trên đầu của người bệnh, có thể là chính bạn hay người nào khác. Đức Phật Đại Bi có hai tay, tay phải đưa ra trong cử chỉ che chở, tay trái nắm một hoa sen trắng tại trái tim. Trong nhiều khía cạnh xuất hiện kỳ diệu của Ngài là hình ảnh chân ngôn, OM MANI PADME HUNG, chuyển động trong một vòng tròn quanh trái tim Ngài. Từ chân ngôn, ánh sáng huy hoàng chiếu ra rực rỡ.

Hãy cầu nguyện đức Phật Đại Bi, vị Đại Bồ tát ban cho vô úy. Cầu cho được thoát khỏi bệnh tật, và tin tưởng rằng lời cầu nguyện này sẽ được đáp ứng.

Phần sau của sự thiền định được Ngài Karma Chakme mô tả như sau:

“Từ thân của đức Phật, một dòng cam lồ chảy xuống và cuốn trôi đi mọi bệnh tật và những ảnh hưởng xấu của người bệnh và sau đó cam lồ phúc lạc tràn đầy thân thể người bệnh.

Sau đó lặp lại nhiều lần chân ngôn sau đây càng tốt: “OM MANI PADME HUM SARVA SHANTING KURUYE SOHA.” (Có nghĩa: Đức Phật của đại bi và trí huệ, mong sao tất cả [bệnh tật đó] được bình lặng.)

Bấy giờ đức Phật ở trên đầu người đó tan biến thành ánh sáng và hòa tan vào người bệnh.

Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể đem cảm nhận và năng lực từ bất cứ sự thiền định về đại bi nào vào trong đời sống hằng ngày của bạn; nó là một ban phước luôn luôn sẵn sàng cho chúng ta. Hãy chào đón tất cả mọi sự mà đời sống đem lại cho bạn - tất cả là một cơ hội để chúng ta chứng ngộ thật tánh của mình.

Khi bạn hạnh phúc, hãy cảm nhận nó trọn vẹn như năng lực ban phước của đức Phật, mà không bám chấp vào nó. Khi bạn đau khổ, hãy nghĩ: “Mong sao sự đau khổ này là một vật chuộc để giảm nhẹ đau khổ cho tất cả những người mẹ- chúng sanh”, và xem sự đau khổ như một lực tích cực đem lại nguồn cảm hứng và tỉnh giác tâm linh, mục đích tối thượng của đời người.

OM MANI PADME HUM

OM MANI PADME HUM

OM MANI PADME HUM

Trích: Năng Lực Chữa Lành Của Tâm

Tác giả: Tulku Thondup

Người dịch: Tuệ Pháp

NXB Thiện Tri Thức – 2000

Tôn ảnh : Đức QUAN ÂM TỨ THỦ

Viết bình luận của bạn:

icon icon icon icon icon icon