Garchen Rinpoche bình giảng về pháp tu Cúng Dường Khói Hương Phần 3

Garchen Rinpoche bình giảng về pháp tu Cúng Dường Khói Hương Phần 3

Viết bởi: Chân Tâm Ngày đăng: 24/11/2020

Tiếp theo, “Khi các vị bảo hộ lơ đãng với kết nguyện của họ, đây là cách để phục hồi.” Có các vị bảo hộ nhất định cam kết bảo vệ chúng ta và nơi chốn của chúng ta. Khi hành động của chúng ta làm phật lòng họ thì họ cảm thấy bị xáo trộn, tức giận và gây hại. Vì thế cúng dường khói hương là để nhắc nhở họ về những kết nguyện xưa.

“Khi các vị thổ thần, long thần và các phi nhân quyền năng có những bất hòa, đây là cách để giải tỏa.” Thổ thần là các vị thần làm chủ vùng đất nhất định – ví dụ nơi chúng ta xây nhà; long thần là vị chủ vùng nước; và phi nhân quyền năng là chủ của vùng không gian. Khi chúng ta làm phiền họ, họ sẽ cảm thấy bị xáo trộn và bực tức rồi gây tổn hại. Vì thế cúng dường khói hương là để giải tỏa.

Nói tóm lại nghi lễ cúng dường khói hương này có thể xua tan đi bất kỳ loại chướng ngại nào. Nếu con không thể tụng nghi quỹ này và không thể cử hành nghi lễ cúng dường khói hương thì con có thể tụng đọc Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát. Ví dụ nếu con xây nhà, con có thể tụng đọc Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát ở nơi đó vì nó giúp làm an dịu thần công thổ địa. Vì thông qua nghe về Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát, họ có thể phát khởi tình yêu thương, lòng bi mẫn và hạnh kham nhẫn trong tâm. Và điều đó sẽ làm an dịu sự bất an trong tâm của những chúng sinh phi nhân đó. Thực chất khi thực hiện bất cứ hoạt động nào con cũng có thể tụng đọc Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát vì điều đó có thể an dịu tâm của những chúng sinh đang bực tức và vì thế họ không gây hại – ở đây là các loại chướng ngại khác nhau của ngày, tháng, thời gian, hay chướng ngại từ xây cất nhà cửa hay của tà thuật v.v. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng tất cả các che chướng đều đến từ nghiệp lực của chính chúng ta.

Nghi quỹ cúng dường khói hương này tuy không dài nhưng rất thâm diệu và vì vậy không dễ để có thể hiểu được. Cần nhiều thời gian để có thể dịch và hiểu được nội dung của nghi quỹ này. Người phiên dịch nghi quỹ từ tiếng Tạng sang tiếng Anh đã mất 5 năm để dịch và sửa đổi. Người phiên dịch này đã đặt nhiều câu hỏi cho các vị đạo sư từ Tây Tạng, Ấn Độ và các nước phương Tây khác, đã tra cứu từ điển để thực sự hiểu được ý nghĩa của những từ ngữ trong nghi quỹ, vì bản văn này ý nghĩa rất sâu xa. Thầy không học nhiều nên chỉ giải thích tương đối về ý tứ trong bản văn, giải thích đề cương và tóm tắt của nghi quỹ này. Các con nên tra thêm từ điển và tìm hiểu thêm về ý nghĩa của những ngôn từ và phẩm vật cúng dường nói trong nghi quỹ, vì ngôn từ và phẩm vật cúng dường đều mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Việc hiểu được ý nghĩa là rất quan trọng.

“Bởi vì nghi lễ cúng dường khói hương tịnh hóa thâm diệu này đã được khảo sát kỹ lưỡng, thông qua năng lực hoàn thành viên mãn nghi lễ này, mọi sự đều sẽ được thông suốt và sáng tỏ.” Có những nghi lễ cúng dường khác nhau, ví dụ cúng dường khói hương hay cúng dường thủy tịnh. Ý nghĩa của những nghi lễ này là như nhau. Ví dụ trong lễ cúng dường thủy tịnh thì cũng tiến hành tụng nhiều minh chú như minh chú Kim Cang Tát Đỏa v.v. Nhiều minh chú được đọc và gia trì cho nước, có thể cho thuốc Pháp vào nước rồi rắc nước lên khu vực đất cần được gia trì. Tấm gương soi cũng được sử dụng trong cúng dường thủy tịnh. Gương soi được giơ lên biểu hiện rằng cả khu vực được phản ảnh trong gương, rồi nước được rót qua gương, và vì vậy toàn bộ khu vực được phản ảnh trong gương đều được tịnh hóa thông qua việc rót nước gia trì qua gương như thế. Nghi lễ cúng dường này cũng mang lại lợi ích giống như cúng dường khói hương. Nghi lễ cúng dường khói hương hay cúng dường thủy tịnh có thể tịnh hóa bất kỳ chướng ngại nào, làm an dịu bất cứ vị thần linh hay ma quỷ nào.

“Thông qua năng lực hoàn thành viên mãn nghi lễ này, mọi sự đều sẽ được thông suốt và sáng tỏ”. Khi chúng ta thật sự suy ngẫm và tìm hiểu nhiều lần ý nghĩa của pháp thực hành này thì trí tuệ hiểu về ý nghĩa của pháp tu này sẽ gia tăng.

“Thông qua chân ngữ của các thánh nhân, không có gì là không thành tựu.” Đây là những giáo huấn đến từ đức Liên Hoa Sanh, và những chân ngữ này thì tương ưng với giáo huấn của Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì thế tất cả nội dung của nghi quỹ thực hành này tương ưng với các giáo huấn của chư Phật như là giáo huấn về luật nhân quả và giáo huấn về thân người quý hiếm v.v.

“Thông qua nghi lễ có tính tương duyên cát tường này, không có gì không được trọn vẹn!” Tính tương duyên muốn nói đến sự vận hành của luật nhân quả. Tính tương duyên chỉ ra rằng Bồ Đề Tâm sẽ dẫn đến hạnh phúc và tâm chấp ngã sẽ dẫn đến khổ đau. Tính tương duyên cũng liên hệ đến ba năng lực như đã đề cập đến ở trên. Thông qua ba năng lực này mà pháp cúng dường khói hương có thể được viên thành.

Nói tóm lại cúng dường khói hương có thể xua tan đi mọi khổ đau đến từ chấp ngã bởi vì pháp này dựa trên nền tảng là Bồ Đề Tâm. Vì thế nếu chúng ta cử hành nghi lễ cúng dường khói hương với tâm nguyện mang lại lợi lạc cho chúng sinh thì nhân và duyên sẽ hội tụ, và do vậy mọi sự sẽ viên thành. Đó cũng chính là sự vận hành của nghiệp khi nhân và duyên hội tụ: nhân chính là Bồ Đề Tâm và duyên chính là nghi lễ cúng dường khói hương. Khi nhân và duyên hội tụ thì mọi việc sẽ thành tựu. Vì vậy sự tịnh hóa trong pháp cúng dường khói hương có thể được thành tựu như đã giải thích ở đây.

“Với công phu thực hành pháp tu này, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.” Khi cúng dường khói hương, người ta có thể thực hiện theo các cách khác nhau. Một số người muốn tụ hội thành nhóm và rồi đốt lên một ngọn lửa lớn. Tuy nhiên cũng không cần thiết và có khi là nguy hiểm nếu chúng ta đốt lửa rộng. Chỉ cần lửa nhỏ hoặc thậm chí chỉ cần nhang thôi là đủ. Thực tế là trong hầu hết các loại nhang đốt thì những chất liệu cúng dường khói hương đã được bao hàm đủ trong đó rồi. Chúng ta đốt hương, rắc thêm chút bột hương và một chút thuốc pháp hoặc đôi khi chỉ cần nguyên liệu của cây bách là đủ. Quan trọng nhất là tâm. Tâm mong nguyện mang lại lợi lạc, có lòng sùng kính đến Bổn Tôn và lòng bi mẫn hướng về chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi. Thực sự thì chính là thông qua tâm mà việc thực hiện cúng dường khói hương được viên thành, tức là mọi thứ trở nên tốt đẹp trong pháp hành trì này. Thông qua tâm với ý nguyện mang lại lợi lạc thì hạnh phúc sẽ sinh khởi và như thế thì mục đích được viên thành. Tương tự như đã nói đến trong phần thực hành sáu thủ ấn ở đầu nghi quỹ, mọi thứ được làm cho tăng lên gấp nhiều lần thông qua năng lực của tâm.

Về thời gian thực hành cúng dường khói hương, chúng ta có thể thực hành hàng ngày, một tuần một lần hoặc một năm một lần. Khi con càng thực hành đều đặn thì lợi ích càng to lớn.

Sau đó nghi quỹ nói tiếp: “Ê-ma-hô! Xin hãy quán xét điều này”. Sau khi nói Ê-ma-hô, chúng ta chơi nhạc cụ để cúng dường âm thanh. Thông qua đó chúng ta tích lũy công đức.

“Hôm nay, để giúp chúng con – đạo sư và đệ tử – có thể làm an dịu và tịnh hóa sự bất tịnh, sự vi phạm các mật nguyện, hận thù, đố kỵ, dịch bệnh và các chướng ngại, chúng con khẩn xin tập hội thánh chúng tôn quý toàn tri toàn giác, xin hãy đoái tưởng!” Đạo sư, đệ tử v.v. tức là những người cùng nhau cử hành nghi lễ cúng dường khói hương này khẩn cầu tập hội thánh chúng tôn quý toàn tri toàn giác xét duyệt đề nghị của họ.

Làm sao các mật nguyện bị vi phạm? Các mật nguyện bị vi phạm nếu chúng ta đánh mất tình yêu thương thông qua thù hận. Khi đó tâm của chúng ta trở nên bất an, và khi nội tâm trở nên bất an thì sẽ ảnh hưởng đến các nguyên tố bên ngoài. Vì vậy thế giới bên ngoài cũng bị xáo trộn. Do trong thế giới này người ta ngày càng bất an do sân hận và đố kỵ nên điều đó đã ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài. Một số nơi trước đây không nóng lắm thì giờ đây đã trở nên nóng nực, những nơi trước đây không lạnh lắm thì giờ đây trở nên ngày càng lạnh hơn v.v. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó trên trái đất này. Vì thế nội tâm của chúng sinh và các nguyên tố ngoại tại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Và nếu tâm bất an thì cũng gây xáo trộn cho các nguyên tố và môi trường bên ngoài. Chính vì ngày nay trên thế giới sự sân hận và đố kỵ của con người gia tăng, có ít người trưởng dưỡng tâm yêu thương, nên có nhiều sự tàn hoại xảy ra cho thế giới bên ngoài. Và cúng dường khói hương cũng là biện pháp để giải tỏa và làm cho những chướng ngại này được bình ổn. Để bình ổn chướng ngại, chúng ta khẩn cầu tập hội thánh chúng tôn quý toàn tri toàn giác đoái tưởng.

Ở đây tập hội thánh chúng tôn quý là đối tượng hướng tới của pháp cúng dường khói hương. Có bốn thửa ruộng công đức để chúng ta hướng tới. Thứ nhất là Tam Bảo, Bổn Tôn, Da-ki-ni (không hành nữ) v.v., đó là các vị ở cảnh giới cao. Thửa ruộng công đức thứ hai là các vị Hộ Pháp, các vị Trời v.v. Thửa ruộng công đức thứ ba là chúng sinh trong sáu cõi luân hồi – tất cả họ đều từng là cha mẹ chúng ta trong các đời quá khứ. Và thửa ruộng công đức thứ tư là các chủ nợ ân oán của chúng ta – những kẻ gây chướng ngại cho chúng ta v.v. Tất cả sẽ được viên thành thông qua cúng dường khói hương.

Tiếp theo “Hôm nay khi [sự giao hội của] các hành tinh và các vì sao trên tầng không là cát tường, và khi xem xét đất đai [thì thấy rằng] tất cả các phẩm tính tốt đẹp cùng những điều mong cầu đều được trọn vẹn. Hơn nữa, ngày giờ cũng rất may mắn. Ngày hôm nay tốt đẹp, chiêm tinh thì cát tường cho việc cử hành nghi lễ an dịu và tịnh hóa này.” Rinpoche nói phần này đã được diễn giải rõ và chúng ta không cần giải thích thêm.

Sau đó tiếp theo trong nghi quỹ: “Chư Phật, chư Bồ Tát và các vị A La Hán đều đã dứt trừ được mọi nhiễm ô! Nương vào chân lý tối thượng của Đức Phật Thế Tôn, đấng dẫn đầu loài người; nương vào chân lý tối thượng của pháp tánh tự do thoát khỏi mọi tham luyến; nương vào chân lý tối thượng của Tăng đoàn, dẫn đầu mọi hội chúng – nương vào sự gia trì đích thực từ Tam Bảo – nguyện cho nghi lễ cúng dường khói hương được thành tựu viên mãn”.

“Chư Phật, chư Bồ Tát và các vị A La Hán đều đã dứt trừ được mọi nhiễm ô”. Ở đây muốn nói rằng các vị đã hoàn toàn vượt thoát sự bám chấp nhị nguyên, đã tự do thoát khỏi cái nhìn đối đãi ta-người.

“Nương vào chân lý tối thượng của Đức Phật Thế Tôn, đấng dẫn đầu loài người; nương vào chân lý tối thượng của pháp tánh tự do thoát khỏi mọi tham luyến; nương vào chân lý tối thượng của Tăng đoàn, dẫn đầu mọi hội chúng.” Đầu tiên là đấng dẫn đầu loài người – chính là đức Phật. Phẩm hạnh của đức Phật là gì? Đức Phật đã đạt được giác ngộ – Ngài đã chứng ngộ được tính bất nhị, xua tan đi bám chấp nhị nguyên, đã hợp nhất với trí tuệ nguyên sơ. Đó là tóm tắt phẩm hạnh của đức Phật. “Nương vào chân lý tối thượng của pháp tánh tự do thoát khỏi mọi tham luyến.” Pháp tánh thể hiện chân lý tối thượng – chính là tánh Không. Đây chính là Pháp tối thượng, giảng giải về chân lý tối thượng là tánh Không. “Nương vào chân lý tối thượng của Tăng đoàn, dẫn đầu mọi hội chúng.” Phật và Pháp tụ hội trong Tăng bảo. Tăng bảo chính là hiện thân của Tam Bảo. Phật hay tâm của tất cả chư Phật là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Pháp – khẩu [của chư Phật] – là giáo huấn về hai chân lý. Đối với những ai chưa nhận ra chân lý tối hậu thì họ được giảng dạy về chân lý tương đối – đó là quy luật nhân quả không sai trệch. Còn đối với những ai có thể chứng ngộ được chân lý tối hậu thì họ được giảng dạy về chân lý tuyệt đối đó và giác ngộ được trí tuệ nguyên sơ bất nhị. Vì thế khẩu là giáo pháp, và Tăng đoàn cao quý là hiện thân của cả ba viên ngọc quý, chính là Tam Bảo.

Chúng ta nói rằng chỉ trong một Tăng đoàn mà thể hiện được chư Phật ba thời. Vậy năng lực hay phẩm hạnh của Tăng đoàn là gì? Ví dụ chỉ cần bốn người cùng trì giữ giới nguyện thì đã trở thành một tăng đoàn mạnh mẽ, là nơi kết nối với chư Phật ba thời. Tâm của chư Phật ba thời và tâm của Tăng đoàn trân quý thực chất là như nhau, phẩm hạnh của tâm đó là như nhau. Vì thế do phẩm tánh đến từ sức mạnh kết nối với năng lực của chư Phật ba thời, chúng ta có thể viên thành mọi thực hành Pháp. Đặc biệt là thông qua những phẩm tánh của ba năng lực: năng lực đến từ tâm nguyện thanh tịnh của chúng ta, năng lực đến từ tình yêu thương vĩ đại của chư Phật và năng lực đến từ Pháp tánh, mà chúng ta viên thành tâm nguyện của mình trong Pháp cúng dường khói hương này.

Làm sao các tâm nguyện thực sự được viên thành? Về khía cạnh rốt ráo, chúng ta nhận ra một nền tảng chung nhất. Mặc dù chúng sinh trong sáu cõi luân hồi phải chịu đau khổ nhưng những đau khổ đó không có sự tồn tại cố hữu. Vì thế nương vào năng lực đến từ lòng đại bi của chư Phật, chúng sinh trong sáu cõi luân hồi có thể phát khởi lòng từ bi. Nếu họ có thể phát khởi lòng từ bi thì tâm bám chấp của họ sẽ giảm thiểu và rồi họ sẽ đạt được giác ngộ. Vì thế chúng sinh có tiềm năng để đạt giác ngộ, và họ có thể được giúp đỡ để tiến bước trên con đường đạt đến giác ngộ. Chính bởi tiềm năng của họ mà khi cử hành nghi lễ cúng dường khói hương, chúng ta có thể thật sự mang lại lợi lạc cho họ. Vì thế đó là mục đích của pháp cúng dường khói hương, và do đó nghi quỹ nói rằng “Nương vào sự gia trì đích thực từ Tam Bảo – nguyện cho nghi lễ cúng dường khói hương được thành tựu viên mãn!”

Ê-ma-hô! Xin hãy quán xét điều này! Với biển mây cúng dường của Đức Phổ Hiền, chúng con tịnh hóa, chúng con cúng dường! Chúng con tịnh hóa với gỗ cây bách cha [như] gỗ đàn hương trắng. Chúng con tịnh hóa với gỗ cây tùng mẹ [như] gỗ đàn hương đỏ. Chúng con tịnh hóa với gỗ trầm hương, vua của các loại thuốc. Chúng con tịnh hóa với cây bách Trung Hoa, vua của hương thơm. Chúng con tịnh hóa với nhang thiêng, với đỗ quyên trắng. Chúng con tịnh hóa với làn hương ngọc lam rạng ngời của nhánh cây bách tuyệt diệu. Chúng con tịnh hóa với hương thơm của loài cây quý – loài ngải trắng. Chúng con tịnh hóa với mùi hương thơm nức của cây ngải cứu trắng!

Đối trước chư Đạo sư – [là] nơi nương tựa tối thượng – cùng giáo huấn các Ngài trao truyền, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Đối trước chư Phật toàn hảo là đấng dẫn đầu trong thế giới loài người, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa. Đối trước giáo Pháp trân quý không sai chệch giúp thanh tịnh các tập khí, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa. Đối trước Tăng đoàn cao quý là ruộng công đức, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa. Đối trước mạn-đà-la của các Đấng chiến thắng và thánh chúng chư vị Bổn Tôn, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa.

Nói về đoạn: “Đối trước giáo Pháp trân quý không sai chệch giúp thanh tịnh các tập khí, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa. Đối trước Tăng đoàn cao quý là ruộng công đức, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa.” Làm sao chúng ta lại hình thành những tập khí (nghiệp)? Những tập khí là những dấu ấn thành thói quen đã in vào tâm thức chúng ta. Giáo pháp có thể giúp tịnh hóa những tập khí này. Nói một cách ngắn gọn, giáo pháp bao gồm hai chân lý. Chân lý đầu tiên là chân lý tương đối nói về luật nhân quả không bao giờ sai chệch và vì thế chúng ta cần trưởng dưỡng tâm vị tha. Vì khi chúng ta trưởng dưỡng tâm vị tha thì lòng đại bi không bờ bến sẽ tăng trưởng và khi đó cái tôi sẽ biến mất. Tập khí tồi tệ nhất hay dấu ấn tồi tệ nhất trong tâm là “cái tôi”, một đại dương “cái tôi”. Khi chúng ta tạo ra “tôi” thì cũng tạo ra “người khác”, vì vậy có sự bám chấp nhị nguyên. Nếu sự bám chấp vào cái tôi được tịnh hóa, nếu không còn cái tôi nữa thì cũng không còn người khác nữa. Khi không có cái tôi thì chúng ta nhận ra “ta” và “người” không tồn tại một cách tách biệt mà là bất nhị vì tâm giống như hư không. Giống như băng đã tan vào đại dương và không còn sự khác biệt, khi đó chúng ta nhận ra được sự thật tối hậu, là tính bất nhị – tính Không.

Giáo pháp đến từ đâu, chúng ta nhận được giáo pháp từ ai? Dòng thứ hai có nói: Tăng đoàn cao quý, là ruộng công đức. Giáo pháp đến từ tăng đoàn cao quý, từ tâm và khẩu của tăng đoàn. Giáo pháp là những giáo huấn của tăng đoàn cao quý, các giáo huấn về luật nhân quả v.v. Vì thế chúng ta cúng dường khói hương đến ruộng công đức là tăng đoàn cao quý.

Thực chất tăng đoàn cao quý chính là ruộng công đức tối thượng. Chính vì thế chúng ta sẽ tích lũy công đức vô cùng to lớn nếu phục vụ các tu viện hoặc các thành phần nào đó của tăng đoàn. Đó là ruộng công đức tuyệt hảo, là thửa ruộng để chúng ta gieo trồng hạt giống. Nếu ruộng tốt thì chỉ một số hạt giống thôi cũng làm cho nhiều cây cối đâm chồi và phát triển. Vì vậy cúng dường tăng đoàn mang lại công đức to lớn, và cúng dường chỉ một thành viên trong Tăng đoàn cũng giống như cúng dường toàn bộ tăng đoàn trong ba thời, bởi vì một thành viên cũng đại diện cho tất cả tăng đoàn. Ngày nay ở các nước phương Tây, có những tăng đoàn dưới hình thức các trung tâm pháp. Chừng nào chúng ta còn đang đi trên con đường tâm linh thì chúng ta vẫn cần một hướng để thực hành, và vì thế dù trung tâm nhỏ hay lớn thì đều quan trọng và cần thiết. Điều quan trọng là khi chúng ta phục vụ trung tâm pháp của mình thì cần hòa hợp với các trung tâm khác. Chúng ta không nên thiên vị và chấp thủ vào trung tâm của riêng mình mà cần phải hòa hợp với các trung tâm pháp khác. Pháp (hay giáo pháp) cần phải là phương thuốc chữa trị các phiền não và đặc biệt cần phải là phương thuốc đối trị với sân hận hay đố kỵ v.v. Pháp cần mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh trên thế giới này. Vì thế cả hai hệ thống tâm linh và thế tục cần phải tôn trọng lẫn nhau. Nếu chúng ta có sự kính trọng và tình yêu thương to lớn cho tất cả thì tự nhiên chúng ta sẽ, ví dụ, tuân thủ luật pháp của đất nước, điều ấy sẽ được chúng ta lưu tâm. Vì thế tăng đoàn chính là nơi để chúng ta tích lũy công đức to lớn, và ở các nước phương Tây thì một phần của tăng đoàn chính là các trung tâm giáo pháp. Vì vậy Thầy cảm thấy rằng bất cứ nơi nào Thầy có thể thành lập trung tâm pháp thì đó chính là sự cúng dường của Thầy cho đất nước đó. Và Thầy rất cảm kích những ai đã hỗ trợ các trung tâm pháp. Nếu được như thế thì sau khi Thầy mất, các trung tâm vẫn được duy trì. Và điều này là cần thiết, bởi vì nếu chúng ta không có các trung tâm pháp thì sau khi Thầy mất, mọi thứ sẽ không được lưu giữ lại. Vì vậy Thầy rất cảm ơn những ai đã duy trì và hỗ trợ các trung tâm pháp. Do đó các trung tâm pháp chính ruộng công đức – giống như tăng đoàn cao quý. Để có được sự thành lập tăng đoàn thì ở phương Tây, các trung tâm pháp là cần thiết. Đây là nguồn cội công đức tối thượng. Thực sự thì tất cả những ai đã thọ giới quy y đều là tăng đoàn. Vì vậy sau khi đã thọ giới quy y thì chúng ta nên có niềm tự hào thánh thiện là tôi đã trở thành tăng đoàn cao quý. Điều gì làm cho chúng ta trở nên cao quý. Chúng ta trở nên cao quý là bởi chúng ta có tình yêu cho tất cả chúng sinh và có thể bảo vệ tình yêu thương này bằng sự kham nhẫn. Chúng sinh bình thường cũng có tình yêu thương nhưng bởi vì họ không duy trì được kham nhẫn nên thường hay đánh mất tình yêu thương. Vì vậy điều quan trọng là chúng ta phát triển một niềm tự hào thánh thiện của việc trở thành tăng đoàn cao quý.

Và sau đó nghi quỹ tiếp “Đối trước mạn-đà-la của các Đấng chiến thắng và thánh chúng chư vị Bổn Tôn, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa.” Đối trước vô lượng báo thân tại vô lượng cõi Tịnh độ, nếu chúng ta chỉ phát khởi lòng sùng kính đối với chư vị thì một cách hoàn toàn tự nhiên, sẽ có vô lượng đám mây cúng dường. Thực ra chính Bồ Đề Tâm đã chuyển hóa thành vô lượng cúng dường dâng lên chư vị Bổn Tôn ở các cõi Tịnh độ. Các hóa thân trong sáu cõi luân hồi xuất hiện ở cả hai dạng: thanh tịnh và bất tịnh. Thực chất thì cả những vị điều phục chúng sinh và những kẻ được điều phục đều là các hóa thân. Đối với những kẻ được điều phục, cũng là những hóa thân, thì đầu tiên họ cần trưởng dưỡng tín tâm và lòng sùng mộ đối với chư vị tôn kính là những vị điều phục, và cần phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn đối với các chúng sinh còn chưa thanh tịnh.

“Đối trước chư vị Hộ Pháp lưu giữ các truyền giảng, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa.” Có rất nhiều các hóa hiện của chư vị Hộ Pháp, ví dụ các vị Hộ Pháp trong ngũ bộ Phật v.v. Việc tìm hiểu sâu về vấn đề này sẽ phức tạp, vì thế nói chung các vị Hộ Pháp ở đây nói đến tất cả các vị trong các dòng truyền thừa cũng như các truyền thống Phật giáo.

“Đối trước chư vị bảo vệ ngoại mật điển trong Kim Cang Bộ, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Đối trước chư vị bảo vệ khẩu truyền, mật chú và mật tạng, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa. Đối trước chư vị bảo hộ dòng truyền thừa của các đạo sư và chư Thầy tổ, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Đối trước chư vị canh giữ những nơi chốn ẩn tu và các trung tâm giáo pháp, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Đối trước chư vị bảo hộ [các pháp tu] phương tiện và thành quả, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Đối trước chư vị bảo hộ luôn sát cánh các hội chúng hùng mạnh, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá”. Đạo sư và đệ tử, huynh đệ kim cang và cha mẹ trong nhiều đời kiếp, có thể sau khi mất, họ tái sinh thành vị thần bảo hộ, vị thần thổ địa v.v. chẳng hạn, và chúng ta cúng dường khói hương để làm hài lòng họ. Nếu chúng ta làm như thế cùng với Bồ Đề Tâm thì năng lực [bảo hộ] của họ sẽ gia tăng. Có thể đời trước họ là cha mẹ chúng ta và bây giờ họ là vị thần bảo hộ, thần thổ địa v.v. Nếu chúng ta cúng dường họ với Bồ Đề Tâm thì sẽ làm gia tăng năng lực bảo vệ của họ đối với chúng ta. Thông qua Bồ Đề Tâm, những che chướng của họ sẽ được tịnh hóa và vì thế năng lực bảo hộ của họ sẽ gia tăng. Còn nếu chúng ta làm phật lòng và không tôn trọng họ thì họ sẽ mất năng lực bảo vệ chúng ta. Vì vậy việc cúng dường khói hương cho họ là quan trọng. “Đối trước chư vị canh giữ những nơi chốn ẩn tu và các trung tâm tôn giáo, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá” – ở đây nói đến các tôn giáo khác nhau. Nghi quỹ tiếp tục: Đối trước chư vị bảo hộ [các pháp tu] phương tiện và thành quả, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Đối trước chư vị bảo hộ luôn sát cánh các hội chúng hùng mạnh, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá.

Khói hương tịnh hoá này là để dâng lên các vị thần, vẫn hoạt động như những vị canh gác ban ngày cho tất cả chúng con – đạo sư và đệ tử – cùng các vị thần vẫn trông coi ban đêm và các vị thần ủng hộ cho vị thế của chúng con; dâng lên những vị thần vẫn hoạt động như những chiếc cầu bắc qua các con sông, như những bậc thang trên vách đá hiểm trở, và như những ngọn đèn trong bóng tối; dâng lên những vị thần canh chừng và đánh bại kẻ thù, đưa ra phương thuốc đối trị độc hại và chữa trị bệnh tật bằng thảo mộc, những vị đánh bại đám đông loài quỷ, nhiếp phục các sinh linh xấu ác, và đẩy lùi những đoàn quân trong chiến trận; xin [các vị] hãy thọ hưởng khói hương tịnh hóa.

Khói hương tịnh hóa này là để dâng lên các vị thần đã nâng đỡ và bảo vệ chúng con, đồng thời thành tựu những mong muốn của chúng con – chăm sóc cho con cái và bảo vệ của cải của chúng con; dâng lên các vị thần vẫn hoạt động như những người chăm giữ những đứa bé mới biết đi, chăm giữ ngựa non, và bảo vệ đất tổ của chúng con; dâng lên tất cả các hội chúng hộ trì quyền uy đã bảo vệ thân thể của chúng con; dâng lên các vị nam thần và các vị thần chiến đấu tại địa phương, các vị thần trong gia tiên tiền tổ bên cha và các vị nữ thần của tổ tiên bên mẹ, các vị thần mang lại thực phẩm và thịnh vượng, những quỷ thần mạnh mẽ của vũ khí sắc nhọn; dâng lên những vị chúa đất của các vùng, long thần và những quỷ thần quyền uy trong các cõi [của các vị]; dâng lên các vị vua của các nguyên tố trên trái đất, mười hai tháng [trong năm] và bốn mùa, các vị thần của [các nguyên tố cơ bản cho sự hình thành vũ trụ], các cung chiêm tinh, năm, tháng, các vị thần của các hành tinh, của tinh tú, các vị thần của ngày, thời gian, thời kỳ; và dâng lên bát bộ chúng nội tại và ngoại tại của Trời và quỷ thần hùng mạnh, xin [các vị] hãy thọ hưởng khói hương tịnh hoá.

Khói hương tịnh hoá này là để dâng lên toàn bộ không sót một ai trong số những vị có quyền năng trong tam thiên đại thiên thế giới – [chính là] chư vị trị vì ba cõi – cùng chư vị thống trị tam giới [Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới]; dâng lên các vị Trời, long thần, khẩn-na-la và những vị tương đương đang ngự ở Núi Tu Di, cùng bốn lục địa, bảy núi vàng và bảy hồ vòng quanh, những dãy núi sắt bao quanh, biển và sông, các cung hoàng đạo, mặt trời và mặt trăng, các khu mộ địa, các khu vực rừng và núi; dâng lên các vị càn-thát-bà, cưu-bàn-trà, ca-lâu-la, mãng-xà, dạ-xoa, các vị thần của các nguyên tố, các dạ-xoa-nữ cùng đoàn tùy tùng, xin [các vị] hãy thọ hưởng khói hương tịnh hoá.

Khói hương tịnh hoá này là để dâng lên các vị Trời, long thần và các thánh giả hiện đang ngự ở những vách sâu trong Núi Tu Di, ngụ trong đại dương, ngụ ở những khoảng không gian giữa các hòn đảo, tại núi châu ngọc trên đảo châu báu; dâng lên những vị với năng lực thần thông, cùng với thệ nguyện [xưa], được phú bẩm các sắc tướng hóa hiện đa dạng và năng lực thấu thị, xin [các vị] hãy thọ hưởng khói hương tịnh hoá.

Khói hương tịnh hoá này là để dâng lên các vị thần canh giữ những kho báu dưới lòng đất, những linh đan đã được tôi luyện, những trích liệu dược thảo, cây cối và mùa màng; dâng lên tất cả các vị thần bảo vệ mật tạng Pháp; dâng lên các vị dạ-xoa, dạ-xoa-nữ, khẩn-na-la, càn-thát-bà, la-xát cùng đoàn tùy tùng, xin [các vị] hãy thọ hưởng khói hương tịnh hoá.

Ở phía trên cõi đất này, các cõi thiên được tịnh hóa bằng khói. Tại mặt đất và trong không gian, cõi Trời và quỷ thần được tịnh hóa bằng ngọn lửa. Dưới mặt đất, cõi long thần và phi nhân quyền năng được tịnh hóa bằng than hồng. Khắp mười phương, toàn bộ cảnh giới ngoại tại – [chính là thế giới này] – được tịnh hóa bằng hương thơm.

Ở bên trong, tất cả các chúng sinh lang thang được tịnh hóa. Sáu loại chúng sinh – [chính là] cha mẹ trong ba thời của chúng ta – được tịnh hóa. Những sinh linh hãm hại và gây chướng ngại – [chính là] các chủ nợ ân oán trong các đời quá khứ và vị lai – được tịnh hóa.

Ngoài ra, đối trước chín vị thần sáng lập và những vị tương đương vẫn ngụ tại các Vùng Đất Tuyết của [Trung phần] Tây Tạng và tỉnh Kham, cùng mười ba vị thần săn bắn của Tây Tạng, hai mươi mốt vị thần genyen hùng mạnh thực hành thiện hạnh tại các vùng biên giới, mười hai vị nữ thần tenma bảo vệ Tây Tạng và tỉnh Kham, các vị thổ công thổ địa và các thượng thần canh giữ bầu trời, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa. Đối trước thần cửa Tayag và thần nhà Gethung, chúng con cúng dường khói hương tịnh hóa. Đối trước thần bếp Yumo và thần cánh đồng Tsangpa, cùng thần đường Gönpo và thần ngựa Magpön, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Đối trước thần gia súc Mayang và các vị thần tài của, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Đối trước thần phú thương Döndrub cùng vua của các vị thần chiến đấu và các vị tương tự, đối trước các tập hội những vị khách đáng kính, chúng con cúng dường với nhang bột, với những hương liệu để đốt cùng thực phẩm và rất nhiều các thể loại được ưa thích nhất như mong ước. Vì vậy, [nguyện cho] thọ mạng được kéo dài; hạnh phúc và sung túc được gia tăng; giòng giống gia đình cao quý được tăng trưởng; may mắn, uy tín và danh tiếng vĩ đại được nảy sinh.

Ở dòng cuối: “thọ mạng được kéo dài; hạnh phúc và sung túc được gia tăng; giòng giống gia đình cao quý được tăng trưởng; may mắn, uy tín và danh tiếng vĩ đại được nảy sinh”; ở đây việc chúng ta có thể thành tựu được các mong nguyện hay không phụ thuộc vào mối liên hệ duyên nghiệp với các vị Trời, thần bảo hộ v.v. Ví dụ có người mong muốn được phục vụ đất nước mình, người đó có một ý nguyện cao quý không chút vị kỷ, và có thể trở nên rất quyền uy và đầy năng lực, trở nên rất thành công. Người đó được các vị Trời, thần bảo hộ giúp đỡ. Ví dụ trong chiến tranh thế giới lần nhứ nhất và thứ hai đã có rất nhiều chiến sỹ người Mỹ hoặc nước khác tham gia chiến đấu nhưng họ không bị thiệt mạng, đó là do thiện nghiệp của họ, họ đã được bảo vệ bởi các vị bảo hộ phi nhân. Do những kết nối nghiệp và công đức như thế, chúng ta có thể thành tựu được những việc lớn lao. Vì thế năng lực của chúng ta sẽ gia tăng và những vị Trời, thần [có kết nối duyên nghiệp] sẽ là những vị bảo hộ của chúng ta. Đó là trường hợp chúng ta có công đức. Trong trường hợp có bất thiện nghiệp thì ngay cả một vị Vua được vệ sỹ bảo vệ cũng có thể bị sát hại. Vì thế nếu chúng ta tích lũy nghiệp bất thiện và không có đủ công đức thì những vị thần bảo hộ – thay vào việc làm những vị bảo hộ và bằng hữu của chúng ta – sẽ trở thành những kẻ thù và kẻ gây chướng ngại.

Tiếp theo: “Để sám hối trước các vị Bổn Tôn quy y [có năng lực] bảo hộ về những phóng tâm chưa được nhận diện, về tâm bám chấp nhị nguyên và những biểu hiện tiêu cực của chúng con – đạo sư, đệ tử cùng thân bằng quyến thuộc – chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá.” Do sự bám chấp và phân biệt giữa nội tâm và ngoại cảnh, chúng ta làm sinh khởi nhiều phiền não và suy nghĩ. Chúng ta coi những suy nghĩ và cảm xúc của mình là đúng, cho rằng đối tượng bên ngoài tồn tại một cách tách biệt với chúng ta. Do cách nhìn nhận đó, chúng ta tự dán nhãn người là bạn, kẻ là thù, chúng ta tạo ra sự bất hòa, rối loạn giữa Trời, người và quỷ thần. Và chúng ta làm bất an các vị thần linh. Ở trên đã nói rằng khi nội tâm của mình bị bất an do phiền não thì nó cũng gây ra tác động tiêu cực và làm xáo trộn môi trường bên ngoài. Vì thế chúng ta mang vào tâm mình tất cả những lỗi lầm chưa được nhận diện để xin xám hối. Thông qua cách này, lỗi lầm được tịnh hóa. Và chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương đối với các vị Trời, thần bảo hộ. Hơn nữa chúng ta phải rất cẩn thận trong cách ứng xử đối với nhau. Cẩn thận ở đây có nghĩa là cần phải hòa thuận với những người sống xung quanh mình, ví dụ gia đình mình, chúng ta không nên sân hận hay ghen tỵ với họ, không nên đánh lộn hay cãi cọ với họ. Vì những hành động như thế sẽ làm bất an những vị thần bảo hộ. Chính là sự sân hận hay đố kỵ làm bất an họ. Thực ra mọi chúng sinh, dù là người hay quỷ thần đều bị bất an bởi những cảm xúc nhiễu hại như sân hận hay đố kỵ v.v. Vì thế nếu chúng ta sám hối và tịnh hóa thì họ sẽ trở thành những người giúp đỡ chúng ta, trở thành những người bạn.

Tiếp theo: “Để sám hối với sông hồ biển, nơi các vị thần [ẩn trong thân] cá cư ngụ, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá.” Đối với chúng ta, họ xuất hiện như những con cá. Chúng ta nhìn xuống sông hồ biển và thấy đủ loại các sinh vật ở trong nước, ví dụ là cá. Tuy nhiên rất nhiều trong số đó là hiện thân của những vị thần bảo hộ. Ví dụ họ có thể hóa hiện thành cá. Nhưng chúng ta không thể thấy họ, chúng ta chỉ nhìn thấy con cá, trong khi con cá đó chính là hiện thân của vị thần bảo hộ – vị thần cư ngụ ở dưới nước.

“Để sám hối với các ngọn núi, nơi các vị thần [ẩn trong thân] hươu cư ngụ, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá.” Tương tự như vậy các vị thần công thổ địa có thể hóa hiện thành hươu v.v. Ví dụ chúng ta chỉ nhìn thấy đó là con hươu, nhưng thực ra đó là vị thần công thổ địa hóa hiện dưới hình thức con hươu, nhưng chúng ta đã không biết được điều đó.

“Để sám hối với các vị Trời, người, quỷ thần, mặt trời, mặt trăng, các hành tinh, các ngôi sao, các long thần phía dưới mặt đất, các phi nhân phía trên mặt đất, các thần linh cõi thiên ở phía trên mặt đất, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá. Để sám hối với các vị Bổn Tôn toàn giác, chúng con cúng dường khói hương tịnh hoá.

Thông qua năng lực gia trì do công phu sám hối và cúng dường; các cảm xúc tiêu cực, các tập khí, sai lầm và khuyết điểm được tịnh hóa. Qua đó, sự bất tịnh, các vi phạm mật nguyện, các hoàn cảnh bất lợi cùng các ô nhiễm do bởi sự than khóc vì mất đi vị hôn phu hay hôn thê, và tất cả những gì tiêu cực đều được xua tan bởi sự chân thực của nghi lễ cúng dường khói hương tịnh hóa này.

Đối với những sai lầm che chướng của thân, khẩu, ý – [các lực] gây che chướng giống như màn sương bao phủ đỉnh núi, [các lực] làm suy kiệt giống như cây leo cao vượt ngọn cây, cùng bất tịnh do vi phạm mật nguyện giống như nhật thực và nguyệt thực – tất cả đều được loại trừ bởi nghi lễ cúng dường khói hương tịnh hóa cát tường này.

Sự tranh cãi, đố kỵ, các vi phạm mật nguyện, lỗi lầm và những điều tương tự đã xuất hiện thông qua sự suy yếu mật nguyện, từ những bất thiện hạnh và các che chướng, cùng sự oán hận gây ra bởi việc xông đốt những chất liệu bất tịnh, và những vi phạm làm phật ý các vị Trời và thần bảo hộ đều được tịnh hóa.

Thông qua năng lực của việc tiến hành nghi lễ cúng dường khói hương tịnh hóa thâm diệu này, xin hãy tịnh hóa những ô uế và bất tịnh đến từ việc vi phạm mật nguyện do mê lầm, xin hãy giúp làm an dịu những hoàn cảnh bất lợi, những chướng ngại, tật bệnh, những ảnh hưởng tai hại cùng sự chống đối, tà thuật và hại họa.

Nguyện cho tất cả các ước mong và tâm nguyện của chúng sinh được viên thành; thọ mạng, sức khỏe, hạnh phúc, tài lộc được tăng trưởng; và nguyện cho sự cát tường của an bình và phúc lạc [hiện hữu] ở tất cả mọi nơi [thảy đều] trở thành các nguyên nhân để đạt đến giác ngộ tối thượng!”

Tổng kết lại, tất cả những sai lầm và che chướng đều đến từ tâm chấp ngã. Ở phần trên có nói đến sự bất tịnh từ việc vi phạm mật nguyện v.v. – tất cả những điều đó làm tâm trở nên không sáng rõ, và khi tâm không sáng rõ thì chúng ta sẽ phạm sai lầm trong các hành động của mình. Có khi rốt cuộc chúng ta gây hấn và đánh lộn với bạn mình, coi bạn thành thù. Và để giúp chúng ta tránh mắc phải sai lầm đó – sai lầm chuyển bạn thành thù – thì chúng ta phải trưởng dưỡng tình yêu thương và phải bảo vệ tình yêu thương đó bằng sự kham nhẫn. Thực ra cúng dường hương khói nội tại chính là yêu thương và kham nhẫn. Và nghi lễ cúng dường khói hương mà chúng ta cử hành là cúng dường ngoại tại, khi chúng ta chuẩn bị nhiều phẩm vật cúng dường và tụng minh chú v.v. Việc tụng đọc nghi quỹ cúng dường khói hương ngoại tại này cũng rất quan trọng và lợi lạc. Nghi quỹ này đã được dịch ra tiếng Anh, và Thầy cũng chỉ có thể giải thích một nửa ý nghĩa trong đó, vì nội dung nghi quỹ này phức tạp và không dễ để hiểu. Vì thế trong tương lai các con nên hỏi thêm các vị Đạo sư tâm linh của mình. Và Thầy cũng mong muốn các con thực hành pháp cúng dường khói hương, ví dụ một tháng một lần hay một tuần một lần. Thầy hy vọng các con thỉnh thoảng sẽ thực hành pháp này. Tiếp theo Lạt-ma BuNima sẽ truyền khẩu nghi quỹ này, vì mắt Thầy nhìn không rõ. Khi các con đã nhận được truyền khẩu nghi quỹ này rồi thì một đệ tử có thể trao khẩu truyền cho một đệ tử khác. Tức là việc một đệ tử truyền khẩu lại cho một đệ tử khác là được cho phép.

 Đức Garchen Rinpoche

Chú thích: Những dòng và đoạn in nghiêng (có hoặc không có ngoặc kép “…” là trích từ nghi quỹ “Cúng dường khói hương” – bản hiệu đính vào tháng 1.2016)

*****

Bài giảng của Garchen Rinpoche tại pháp hội do Trung tâm Drikung Seattle ở Mỹ tổ chức vào tháng 7/2015.

Ina Dhargye dịch nói từ tiếng Tạng sang tiếng Anh, Trần Lan Anh (Konchok Sherab Dronma) chuyển ngữ Anh – Việt vào tháng 1/2016 dựa trên băng ghi âm phần dịch nói tiếng Anh, Tâm Bảo Đàn (Konchog Changchup Drolma) góp ý để hoàn thiện bản dịch.

Nguyện xin thành tâm sám hối mọi sai sót trong quá trình chuyển ngữ. Nguyện xin hồi hướng mọi công đức có được từ việc dịch thuật này cho sự an lạc và giác ngộ của toàn thể hữu tình chúng sinh.

Viết bình luận của bạn:

icon icon icon icon icon icon