Garchen Rinpoche bình giảng về pháp tu Cúng Dường Khói Hương Phần 2

Garchen Rinpoche bình giảng về pháp tu Cúng Dường Khói Hương Phần 2

Viết bởi: Chân Tâm Ngày đăng: 24/11/2020

Nghi quỹ tiếp tục với, “Nếu sau khi đã cùng nhau hội ý dựa trên thái độ và hành vi cao thượng theo truyền thống chung của Trời, người và quỷ thần, mà giữa họ vẫn còn sự rối loạn, thì pháp cúng dường khói hương này là để giải trừ những rối loạn đó”. Ở đây nói đến sự xáo trộn giữa Trời, người và quỷ thần. Ba dạng tồn tại này đến từ đâu? Từ khởi thủy tất cả họ đều là một dòng tâm tương tục. Bằng cách nào họ trở thành những chúng sinh riêng biệt? Ví dụ chúng sinh trở thành các vị Trời là nhờ những thiện hạnh đến từ tình yêu thương và lòng bi mẫn mà họ đã làm. Họ đã thực hiện thiện hạnh và không gây bạo động, không gây tổn hại cho các chúng sinh khác. Những chúng sinh như thế khi chết sẽ được tái sinh thành những vị Trời hoặc người v.v. Còn những sinh linh xấu ác hay ma quỷ thì có sự chấp ngã rất mạnh mẽ. Họ thường có tâm ganh đua và những ý định xấu ác với các chúng sinh khác. Tâm tham vọng và ganh đua thì có hai dạng. Một dạng tích cực, ví dụ đấu tranh để cải thiện đất nước mình hoặc học hỏi để hiểu biết nhiều hơn. Còn dạng tham vọng sai trái, tâm xấu ác thì như thế này: để tốt cho mình, họ hãm hại chúng sinh khác, để trở nên thân thiết với đối tượng nào đó thì họ lại chia rẽ chúng sinh khác. Để tốt cho mình thì họ lại làm tổn hại đến đất nước. Họ có tâm phá hoại, tâm của họ rất tệ hại, họ phá hủy duyên lành của chúng sinh khác. Vì thế khi chết đi họ đầu thai thành sinh linh xấu ác. Đức Đạt-la-lạt-ma có dạy rằng: đừng nên theo bất kỳ một vị thần linh nào vì họ còn chưa giải thoát khỏi chấp ngã và chưa giải thoát khỏi khổ đau cùng với các cảm xúc ô nhiễm như sân hận, đố kỵ v.v. Vì thế mặc dù ban đầu bản tâm tất cả là đồng nhất, tuy nhiên các chúng sinh với tâm sân hận và đố kỵ thường đi đâu cũng hay gây hấn với kẻ khác. Dù là chúng sinh hữu hình hay vô hình thì khi tâm thức họ đi đến đâu, họ cũng đều tự nhiên hung hăng với kẻ khác. Nếu là chúng sinh hữu hình thì họ tức giận, có khi đánh nhau với kẻ nào họ gặp và có thể còn tự tử. Khi tức giận thì chính bản thân họ không có hạnh phúc và họ gây bất an cho kẻ khác. Sân hận rất độc hại và vì thế khi chết đi, họ phải chịu đầu thai thành sinh linh xấu ác trong nhiều trăm năm. Ví dụ nếu một người tự tử vì tức giận và họ trở thành ma quỷ. Cứ mỗi tuần thì họ lại phải chịu cảm giác chết do tự tử. Mặc dù không có thân tướng nhưng do bám chấp mà họ phải chịu cảm giác chết đi chết lại như vậy mặc dù họ không có thân vật lý thực sự – tức là phải chịu cảm giác lặp đi lặp lại về việc họ tự giết hại mình. Đặc tính của những sinh linh xấu ác là phải chịu sự hành hạ như thế, và họ gây tai hại vì họ phải chịu nhiều khổ đau.

Tuy nhiên họ chỉ có thể gây hại được cho kẻ khác nếu có sự kết nối về nghiệp. Chúng ta có nhiều loại kết nối nghiệp với các chúng sinh, kể cả kết nối nghiệp thiện và kết nối nghiệp bất thiện. Ví dụ các vị Trời có thể mang lại lợi ích cho chúng ta thông qua kết nối nghiệp tích cực và quỷ dữ có thể hãm hại chúng ta thông qua kết nối nghiệp tiêu cực. Chư Phật là các đấng toàn giác nên biết được phương pháp để tịnh hóa. “Nếu sau khi đã cùng nhau hội ý dựa trên thái độ và hành vi cao thượng theo truyền thống…” – ở đây đức Phật và các bậc toàn giác thuyết phục và chỉ bày cho họ. Giống như thể đức Phật và các vị Bồ Tát quy tập để quán chiếu xem phương pháp gì để tịnh hóa những rối loạn đó. Và đức Phật với trí tuệ toàn giác biết được rằng, cách rốt ráo là chúng sinh cần phải ăn năn và sám hối để tịnh hóa các bất thiện nghiệp họ đã gây ra với nhau, để giải quyết các bất hòa đó.

Có người nói là đôi lúc tôi được vị thần giúp và có lúc bị ma quỷ hãm hại. Làm sao để chúng ta hiểu được mối quan hệ này. Ví dụ đôi khi chúng ta đã có mối liên hệ với các vị thần nào đó, rồi chúng ta tham gia vào các hoạt động khác nhau với một tâm thức và ý đồ ô nhiễm làm phật lòng họ, và chúng ta tổn hại mật nguyện của mình, tổn hại cam kết với các vị thần đó. Đối với Bổn tôn trí tuệ, nếu chúng ta làm tổn hại Ngài thì Ngài cũng không khởi tâm sân hận. Dù rằng các Ngài không hãm hại đáp trả lại nhưng vì chúng ta đã phá vỡ mật nguyện nên chính bất thiện nghiệp đã gây ra sẽ trổ quả, ví dụ chúng ta gặp phải cảnh nghèo túng v.v. Ngoài ra chúng ta cũng gặp phải những chúng sinh đã có kết nối nghiệp từ trước, ví dụ với những sinh linh xấu ác luôn có ý đồ xấu xa dù đi đến bất cứ nơi đâu. Nhưng để có thể thực sự gây hại và tác động tiêu cực đến chúng ta thì đầu tiên phải có sự kết nối về nghiệp. Vì vậy nguyên nhân chính là bất thiện nghiệp và những hành động tiêu cực, che chướng của chính chúng ta. Có nghĩa là trong quá khứ chúng ta đã tham gia vào các hành động bất thiện, đã hình thành nên kết nối nghiệp bất thiện. Trong tương lai khi gặp ma quỷ thì họ chỉ là “duyên” mà thôi. Vì thế “nhân” là nghiệp của chúng ta, và “duyên” là chướng ngại, che chướng, ma quỷ v.v. Nếu đã có “nhân” thì khi gặp “duyên,” chúng ta mới có thể bị hãm hại. Ví dụ một số người nói là tôi đến nhà kia, ăn ở đó và về bị ốm; hoặc họ nói rằng có người kia đến và làm hại tôi v.v. Những người đó lại coi thức ăn v.v. là nhân gây phiền toái cho họ. Thực chất thì thức ăn hay người hãm hại hay ma quỷ chỉ là “duyên” mà thôi. “Nhân” là những hành động chúng ta đã tự mình tạo ra trong quá khứ, và nếu chúng ta không làm những hành động đó (không có những nhân đã gieo) thì không thể một duyên nào hay một ma quỷ nào có thể hãm hại chúng ta được cả.

Chính sự lầm lẫn về nhân và duyên là sự nhầm lẫn của chúng sinh. Ví dụ chúng ta nghĩ, tôi đã cho người ta mượn tiền và rồi không được trả và vì vậy mất toàn bộ số tiền đó. Nhưng thực ra người mà chúng ta cho vay tiền không phải là nguyên nhân. Chúng ta nghĩ rằng chính người kia đã lấy hết tiền của mình nhưng thực ra điều đó không đúng, đó chính là sự lầm lẫn. Thực ra, đó chỉ đơn thuần là duyên, vì trong quá khứ chúng ta đã tạo nhân – đã lấy gì đó từ họ. Nếu trong quá khứ chúng ta không lấy gì từ họ thì họ cũng không thể lấy đi thứ gì của chúng ta trong cuộc đời này. Vì thế người lấy đi tiền của chúng ta chỉ là duyên. Nếu thấu hiểu về nghiệp thì chúng ta có thể thấu rõ về sự lầm lẫn nói đến ở đây, và ăn năn những hành động bất thiện đã tạo ra trong quá khứ. Chúng ta nên nghĩ rằng mình đã làm điều bất thiện trong quá khứ và thông qua việc chịu mất tiền mà mình tịnh hóa nghiệp chướng và trả món nợ nghiệp. Nếu nghĩ theo cách này chúng ta sẽ không tức giận đối với người khác hay đối với “duyên”. Đó chính là phương pháp để hóa giải, tức là xuất phát từ sự sám hối trong tâm mình. Và ở bên ngoài chúng ta thể hiện bằng nghi lễ cúng dường khói hương, bằng sự cúng dường thuốc pháp gia trì v.v. Vì vậy với bất cứ thứ gì chúng ta cúng dường cho chúng sinh, hãy cầu nguyện và hồi hướng để xua tan đi sự đói khát, thiếu thốn và đau khổ của họ. Khi tình yêu thương chạm tới họ, thông qua việc chúng ta hồi hướng cho họ với tình yêu thương và lòng bi mẫn, thì họ sẽ nguôi cơn sân hận. Tạm thời họ là hương linh, họ có một thân phi vật lý (thể vía). Mặc dù không có thân vật lý nhưng họ vẫn phải chịu đau khổ như vậy, ví dụ chịu cảm giác đói, khát, lạnh, nóng, thiếu thốn v.v. Và thực ra với thân ở thể vía của những hương linh đó thì sự thống khổ còn nhiều hơn là đối với thân vật lý. Vì vậy hãy nghĩ rằng thông qua pháp cúng dường khói hương, họ sẽ có bất cứ thứ gì họ cần. Ví dụ nếu lúc này họ đói thì xin chọ họ có cảm giác no đủ. Và khi họ thấy no đủ thỏa mãn thì đau khổ trong tâm họ được xua tan và thay thế bằng cảm thọ an lạc trong thân và tâm. Đó chính là phương pháp để giải quyết những thù nghịch và oán hận.

Dòng tiếp theo nói rằng: Khi sự trong sạch bị trộn lẫn với sự đồi bại và bất tịnh, đây là cách để tịnh hóa. Thứ nhất là đồi bại, ở đây muốn chỉ đến những ác hạnh tồi tệ nhất, ví dụ giết hại cha mẹ, họ hàng, bạn bè v.v. đó là đại ác hạnh. Với hành động đồi bại như thế, ví dụ giết hại người đã có kết nối yêu thương với chúng ta và người đó được các vị thần có duyên nghiệp với họ bảo vệ. Trong trường hợp đó các vị thần và sinh linh đều bị sốc khi thấy chúng ta giết hại người kia. Và họ trở nên tức giận và sân hận. Khi họ chết, họ trở nên rất phẫn uất và vì thế trở thành ma quỷ với tâm thức gây hại cho con. Đó là sự đồi bại. Còn bất tịnh là bất cứ hành động nào chúng ta làm với tâm dối lừa, tâm tức giận, tâm không sáng rõ. Khi trong sạch bị trộn lẫn với đồi bại và bất tịnh thì tâm trở nên không sáng rõ. Vì thế bất tịnh làm cho tâm không sáng rõ, làm ô uế tâm, làm tâm không chánh niệm. Ví dụ khi chúng ta uống thuốc phiện hoặc nghiện rượu, nghiện thuốc v.v. thì tất cả những thứ đó làm mất đi sự sáng rõ của tâm và làm tăng ô nhiễm trong tâm. Khi tâm không sáng rõ thì chúng ta sẽ tham gia vào hàng loạt bất thiện hạnh qua thân và khẩu – bất kỳ bất thiện hạnh nào trong mười bất thiện hạnh.

Liên quan đến việc xem tiên đoán (hay còn gọi là xem “mô”), cũng có nhiều khía cạnh liên quan đến nội dung chúng ta nói ở đây. Ví dụ ai đó làm “mô” cho chúng ta và người đó có tài liệu giải thích “mô”. Sau khi họ làm “mô”, họ xem chỉ dẫn trong tài liệu về “mô” và trong đó sẽ hướng dẫn nên làm gì, ví dụ làm lễ puja nào đó. Tức là tài liệu hướng dẫn như vậy, nhưng tài liệu cũng từ thời xa xưa. Có trường hợp người đệ tử sau khi được vị Lạt-ma của họ làm “mô” và hướng dẫn cử hành puja thì đến hỏi Thầy là con không biết phải tìm những hướng dẫn về lễ puja đó ở đâu. Thầy nói rằng đừng hỏi Thầy mà hãy đến hỏi vị Lạt-ma đã xem “mô” vì Thầy không có câu trả lời. Sở dĩ Thầy nói không có câu trả lời vì có thể một số tài liệu hướng dẫn liên quan đến “mô” còn giữ được, nhưng một số khác không lưu giữ được. Do đó thời nay thật khó để có thể làm theo những hướng dẫn như vậy một cách chính xác. Chính vì thế Thầy thường trả lời rằng, thay vì việc đi tìm tài liệu hướng dẫn mà có thể không tìm lại được, thì cách để giải quyết tất cả các vấn đề là: thứ nhất ăn năn, sám hối mọi ác hạnh đã gây ra những chướng ngại như thế; thứ hai, nương tựa vào Bổn Tôn và thực hành Bổn Tôn; ngoài ra tiến hành cúng dường khói hương. Như vậy có thể giải quyết được tất cả vì pháp cúng dường khói hương cũng bao hàm mọi puja. Pháp cúng dường khói hương có thể xua tan bất cứ điều gì không tốt. Thực chất thì mọi puja đều được mô tả trong pháp cúng dường khói hương, hay mô tả trong pháp thực hành Bổn Tôn Quan Âm (Tara) và cũng được thể hiện trong việc sám hối của chúng ta. Vì vậy pháp cúng dường khói hương có thể xua tan bất cứ khó khăn nào, bất cứ sự đau khổ nào.

Nghi quỹ này là khía cạnh bên ngoài (khía cạnh ngoại tại) của nghi lễ cúng dường khói hương. Cúng dường khói hương nội tại tức là tất cả những ai đã bước vào đường đạo đều thực hành Bồ Đề Tâm. Ví dụ chúng ta đọc tụng Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát và đó là cúng dường khói hương nội tại. Đó cũng là việc nhận ra luật nhân quả. Khi chúng ta đọc Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát thì trong tài liệu đó cũng giải thích về luật nhân quả hay nghiệp. Đó là cúng dường khói hương tối thượng. Đó là việc nhận ra được mặc dù giờ đây chúng ta đang chịu khổ đau nhưng chúng đến từ “nhân” đã tạo trong quá khứ – đó là những cảm xúc ô nhiễm của chính chúng ta, chúng ta đã tạo ra chúng. Vì thế chúng ta không thể trách “duyên”, duyên không phải là chủ thể của những đau khổ mà chúng ta đang chịu. Nguyên nhân chính là những cảm xúc ô nhiễm và chấp ngã của bản thân chúng ta. Phương thuốc đối trị với chấp ngã là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu chúng ta mang mọi khổ đau do chấp ngã của chúng sinh vào tâm mình và thực hành theo Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát, trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm và hiểu được sự vận hành của nhân quả, thì đó chính là cúng dường khói hương tối thượng.

Tiếp theo nghi quỹ nói “Khi thành tựu bị trộn lẫn với chướng ngại, đây là cách để thanh lọc”. Khi chúng ta có được thành tựu dù về phương diện thế gian hay tâm linh thì đó đều là kết quả của những công đức hay thiện hạnh đã làm trong quá khứ. Ví dụ về mặt thế gian chúng ta thành công trong kinh doanh hay có vụ mùa tốt đẹp thì đó đều là những thành tựu. Những thành tựu như thế đến từ các nguyên nhân đã tạo trong đời quá khứ. Vì đời quá khứ chúng ta đã thực hiện các hành động bằng thân và khẩu với một tâm thức yêu thương nên đời này chúng ta có những thành tựu như vậy. Tuy nhiên “thành tựu bị trộn lẫn với chướng ngại…” đó là vì chúng ta đã thực hiện cả thiện hạnh và bất thiện hạnh trong đời quá khứ. Ví dụ chúng ta tham gia vào các hoạt động để mang lại lợi ích cho người bạn mình, nhưng cùng lúc đó thỉnh thoảng lại ganh tỵ với bạn. Như thế là sự trộn lẫn cả thiện hạnh và bất thiện hạnh, chính vì vậy kết quả là có cả thành tựu và chướng ngại. Vì thế cần phải hiểu rằng những gì chúng ta đang tạo ra sẽ trổ quả trong tương lai. Ví dụ một số người có góc nhìn thiển cận nói rằng khi thực hành Pháp thì họ bị đau ốm hay bệnh tật, còn nếu họ không thực hành thì không bị bệnh. Nhưng nói như vậy là không đúng. Người đó không phải bị bệnh do thực hành Pháp mà bị bệnh là kết quả của nghiệp đã tạo trong đời quá khứ. Thực ra khi thực hành Pháp, sự đau ốm của người đó đã thuyên giảm so với mức độ mà nó có thể gây ra. Thực hành Pháp không phải là nguyên nhân của đau ốm mà nguyên nhân chính là do đời quá khứ người đó đã, ví dụ, thọ giới nguyện sau đó không trì giữ tốt và vì thế đời này gặp chướng ngại. Nếu đời trước chúng ta phá vỡ giới nguyện nhưng sau đó sám hối thì đời này khi gặp khó khăn, chúng ta có thể tìm thấy phương pháp để vượt qua. Ví dụ người bị bệnh có thể tìm thấy thuốc, người nghèo khó có thể tìm được của cải. Tức là sẽ có được sự giúp đỡ hay hỗ trợ lúc gian nan. Còn nếu trong đời quá khứ chúng ta không sám hối thì sẽ không tìm được sự hỗ trợ hay giúp đỡ để vượt qua khó khăn.

Bất cứ thực hành Pháp nào chúng ta làm trong đời này là để giúp cho cuộc đời vị lai. Đức Phật nói rằng “Nếu muốn biết chúng ta đã làm gì trong quá khứ, hãy nhìn vào thân tướng trong đời này.” Thân tướng chúng ta trông như thế nào là do các hành động đã làm trong đời quá khứ. Đức Phật cũng nói “Nếu muốn biết sẽ đi về đâu trong đời vị lai, hãy nhìn vào các hành động hiện tại.” Những gì chúng ta làm, dù là thiện hạnh hay bất thiện hạnh, sẽ mang lại kết quả trong đời vị lai và quyết định cuộc đời vị lai của chúng ta. Chúng ta không nên kỳ vọng kết quả ngay lập tức. Ví dụ nếu gieo hạt năm ngoái thì năm nay có thể có lúa để mì làm bánh mì. Nếu gieo hạt năm nay thì sang năm sẽ có bánh mì, chứ chúng ta không thể mong chờ có lúa mì và bánh mì để ăn luôn được. Dù có việc gì xảy ra đi chăng nữa, ví dụ có ai làm gì đó hãm hại chúng ta, thì thực chất đó chỉ là “duyên”. Có một số bất thiện hạnh có thể trổ quả nhanh trong đời này hoặc trổ quả ngay tức thì, trong trường hợp như thế thì chủ yếu do bất thiện hạnh đó quá mạnh, và thường điều này là hiếm. Thường thì các thiện hạnh hay bất thiện hạnh sẽ trổ quả trong đời vị lai. Vì thế bất cứ thực hành nào chúng ta làm trong đời hiện tại thì sẽ trổ quả trong các đời vị lai.

Tiếp theo “Khi chân lý và sự giả dối, đúng và sai bị trộn lẫn, đây là cách để làm cho sáng tỏ”. Ví dụ có người rất chân thật trong cuộc đời này, không làm điều gì sai trái nhưng vẫn bị người khác buộc tội và bị giam hãm tù đày. Đó là do người đó đã làm gì đó không chân thật trong đời quá khứ. Vì thế dù rằng trong đời hiện tại, người đó chân thật nhưng vẫn không có được quả báo tốt đẹp ở khía cạnh này vì đời quá khứ đã làm gì đó không chân thật. Thực hành cúng dường khói hương là cách để giải trừ bất thiện nghiệp đó. Nếu chúng ta thực hành cúng dường khói hương một cách thường xuyên đều đặn thì điều đó sẽ mang lại lợi ích lâu dài.

“Khi tốt, xấu và trung bình trộn lẫn với nhau, đây là cách để thanh lọc”. Điều này cũng giống như phần trên. Bất cứ khi làm gì chúng ta đều gặp cả điều tốt và điều xấu. Đôi lúc chúng ta gặp những hoàn cảnh tốt đẹp nhưng cũng vẫn có cả khó khăn. Hầu như thế giới này phần lớn là như thế. Đời này cũng giống đời trước, chúng ta không có được một hạnh phúc thường hằng mà có cả hạnh phúc lẫn chướng ngại. Thực hành cúng dường khói hương có thể cải thiện được hoàn cảnh của chúng ta trong một phạm vi nhất định, và một điều quan trọng hơn, đó là là việc thực hành này sẽ giúp chúng ta thuần thục tâm thức. Khi chúng ta cúng dường thì sẽ giúp tích lũy công đức trong các đời vị lai.

Tiếp theo “Khi những sai sót xuất hiện trong các nghi lễ, đây là cách để loại bỏ.” Khi chúng ta hành trì nghi quỹ, đôi khi có sai sót, ví dụ, không trì tụng chính xác, không thể có đủ mọi phẩm vật cần thiết hay không đủ các điều kiện trợ duyên cho nghi lễ. Chúng ta có thể gặp phải những điều như thế khi thực hiện các nghi lễ, và điều đó có thể gây ra chướng ngại. Cúng dường khói hương sẽ xua tan những chướng ngại này.

“Khi Trời, người và quỷ thần trở nên bất tịnh, đây là cách để tịnh hóa.” Ví dụ đối với quỷ thần, chúng ta có thể làm họ vui lòng bằng cách cúng dường khói hương. Chúng ta có mối liên hệ duyên nghiệp với một số chúng sinh phi nhân nhất định. Họ ở bên chúng ta mặc dù chúng ta không nhìn thấy họ, và họ hóa hiện dưới nhiều cách. Đôi lúc họ là những người giúp đỡ chúng ta, đó là phương diện tốt lành. Đôi khi họ lại chính là những chủ nợ gây hại. Tất cả đều do những kết nối về nghiệp. Họ đi cùng với chúng ta, đến mọi nơi chúng ta đến và ở cả nơi chúng ta sinh sống v.v.

“Khi Trời, người và quỷ thần trở nên bất tịnh, đây là cách để tịnh hóa.” Có nhiều tôn giáo và nhiều phương pháp thực hành tâm linh. Người ta nhắc đến tà thuật, sự hãm hại v.v. – đó là ý mà nghi quỹ nói đến ở đây: Khi Trời, người và quỷ thần trở nên bất tịnh. Đôi khi chúng ta khẩn nguyện Bổn Tôn trí tuệ, ví dụ, Bổn Tôn thực hiện công hạnh giác ngộ dưới dạng phẫn nộ – đây là một trong bốn công hạnh giác ngộ của các Ngài. Giả dụ một đất nước có kẻ tội phạm độc ác, phá phách và rất sân hận, thì kẻ đó cần phải được thuần phục bằng phương pháp phẫn nộ. Đó là mục đích của công hạnh giác ngộ dưới dạng phẫn nộ của Bổn Tôn trí tuệ. Công hạnh ở dạng phẫn hộ không hề là hành động xuất phát từ tâm tức giận hay sân hận, mà đến từ Bồ Đề Tâm. Trong một số nghi quỹ có nói là chúng ta cúng dường thịt, máu và xương; khi đó cần phải hiểu điều ấy liên quan đến ba độc hay ba cảm xúc ô nhiễm của chúng ta. Ví dụ, vô minh tương ứng với thịt, tham luyến tương ứng với máu, sân hận tương ứng với xương. Khi nghi quỹ nói về cúng dường thịt, máu và xương, thì cần phải hiểu theo cách đó – đó là phương pháp để tịnh hóa tam độc. Chúng ta có thể thấy trong nghi quỹ nào đó nói rằng: “uống máu và ăn thịt .v.v.” Mục đích là phá hủy các cảm xúc ô nhiễm, chính là tam độc của chúng ta. Đó là phá hủy các cảm xúc ô nhiễm thông qua Bồ Đề Tâm. Chính thông qua Bồ Đề Tâm mà chúng sinh được kiến lập trên con đường dẫn đến giải thoát. Chính Bồ Đề Tâm làm an dịu và tịnh hóa các tâm địa hiểm độc. Nếu không được tịnh hóa theo cách này thì các chúng sinh xấu ác kia sẽ bị đọa xuống ba cõi thấp bởi nghiệp lực. Đó là cách chúng ta thực hành Bổn Tôn trí huệ tướng hung nộ (còn được gọi là vị Trời xuất thế gian hay Minh Vương).

Quỷ thần là muốn nói đến thần linh thế gian. Đôi khi người ta tụng chú và thỉnh gọi các vị thần linh thế gian đến để hãm hại kẻ khác. Thần linh thế gian khác với các Bổn Tôn trí tuệ. Thần linh thế gian đôi khi gây ra bất ổn giữa mọi người và hãm hại họ. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng gốc rễ của việc bị hãm hại là nghiệp của chính mỗi người. Như chúng ta đã đề cập, nguyên nhân chính là bất thiện nghiệp hay tam độc của chúng ta. Nếu không có mối liên hệ nghiệp thì dù thần linh có muốn hãm hại chúng ta nhiều mức nào chăng nữa thì họ cũng không thể làm được. Chỉ khi có liên hệ nghiệp chính là “nhân”, thì khi cộng thêm “duyên” chính là ma quỷ hay thần linh, mới có thể xảy ra sự hãm hại. Cần phải hiểu rằng gốc rễ và mấu chốt là nghiệp của chính mình. Vì thế cần phải nghĩ theo cách này: mình đã gây ra bất thiện hạnh trong quá khứ, mình đã gây thương tổn cho kẻ kia trong quá khứ, và vì thế giờ đây họ gây thương tổn lại cho mình. Mình đã làm điều sai trái và giờ đây mình cảm thấy hối hận. Cho nên cần phải nhận ra được rằng ma quỷ hay thần linh chỉ là “duyên” mà không phải là “nhân”. “Nhân” chính là hành động chúng ta đã làm trong quá khứ. Điều này rất quan trọng cần được hiểu rõ. Ví dụ những ma quỷ kia muốn hãm hại, muốn dùng bùa ngải hay tà thuật v.v. thì chúng sẽ luôn ở đó và có ý đồ hiểm độc nhưng chúng không thể hãm hại tất cả mọi người. Chúng có thể hãm hại một số người nhưng một số người khác thì chúng lại không thể hãm hại nổi dù có cố đến mức nào đi chăng nữa. Vì những người khác kia không gây ra những bất thiện hạnh trong đời quá khứ nên dù ma quỷ có muốn hãm hại họ thì cũng không thể hãm hại được. Chẳng ai có thể hãm hại được họ cả. Ví dụ một người bị bắt vì tội ăn trộm mặc dù anh ta vô tội và không làm điều gì sai trái. Anh ra đến tòa án và tòa kết luận là anh ta vô tội, anh ấy không làm điều gì sai và vì thế không bị xử phạt. Còn nếu anh ta đến tòa và người ta tìm thấy bằng chứng rõ ràng là anh ta đã ăn trộm thì sẽ bị bắt. Tương tự như vậy, nghiệp sẽ quyết định kết quả. Nếu không có liên hệ nghiệp thì không thể bị hãm hại. Sự hãm hại bởi quỷ thần có thể được tịnh hóa thông qua cúng dường khói hương.

Bất tịnh hay che chướng cũng có mối liên hệ với những suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta có thể suy nghĩ theo cách: mình sẽ bị hãm hại, có ai đó đang muốn hãm hại mình. Vì nghĩ như thế nên chúng ta gặp phải ác mộng và trong mơ có ai đó đến hãm hại mình. Để giấc mơ đó xảy ra thì trước tiên cũng vẫn phải có liên hệ nghiệp và rồi được phản ảnh trong giấc mộng của chúng ta. Pháp cúng dường khói hương có thể làm sáng tỏ tâm chúng ta, xua đi những che chướng trong tâm ấy. Khi ấy ác tâm của người khác đối với ta có thể được xua tan. Và họ có thể trở thành bạn hoặc người hỗ trợ và không gây hại cho chúng ta nữa. Rốt ráo thì chính thông qua Bồ Đề Tâm mà những che chướng kia được xua tan. Đó là điểm cần thực hành. Đôi khi chúng ta nhờ xem “mô” và tiên đoán, rồi đôi khi kết quả có thể gây ra những suy nghĩ và lo lắng trong tâm, nó được phản ảnh trong giấc mơ. Chúng ta có ác mộng và nghĩ rằng có ai đó đến hãm hại mình. Mặc dù đó chỉ là suy nghĩ nhưng vẫn phải có sự liên hệ nghiệp [thì những suy nghĩ hay ác mộng đó mới xảy đến]. Pháp cúng dường khói hương là để xua tan tất cả những che chướng đó.

“Khi giấc mơ báo điềm xấu, đây là cách để xua tan. Khi dấu hiệu, tiên đoán, chiêm tinh là tiêu cực, đây là cách để loại bỏ.” Chỗ này cũng liên quan đến sự bất tịnh mà chúng ta vừa nói đến ở trên. Điểm này rất quan trọng vì thường chúng ta hay hiểu lầm, do đó gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ khi có giấc mơ xấu chúng ta luôn cố để hiểu và biết được điều gì đang xảy ra. Một số hành giả Pháp hoặc những người theo tâm linh có các cách giải thích khác nhau về giấc mơ. Một số người mặc dù không theo tâm linh nhưng khi gặp phải giấc mơ xấu, họ cũng muốn hiểu ý nghĩa và muốn biết điều gì xảy ra. Một số người có thể đi hỏi tiên đoán (xem “mô”). Như Thầy đã nói ở trên, trong các tài liệu liên quan có giải thích nhiều thứ và đề xuất các việc khác nhau cần làm, các lễ puja cần tiến hành. Đôi khi chúng ta không có đủ những điều kiện để tiến hành các lễ puja như thế. Hơn nữa người ta lại quá xem trọng những việc đó mà quên đi việc suy ngẫm về nguyên nhân của những sự tổn hại đang gặp phải. Chúng ta quên suy ngẫm về luật nhân quả, thay vào đó lại nghĩ rằng người khác đã làm điều sai trái, đó chính là suy nghĩ có hại và chính suy nghĩ này làm hại chúng ta. Pháp cúng dường khói hương là cách để tịnh hóa những ô nhiễm đó.

Thực sự thì sự tịnh hóa xảy ra như thế nào? Đầu tiên, điều quan trọng là chúng ta cần tin tưởng vào nhân quả. Cần phải hiểu rằng nếu tiền nghiệp đã gieo thì rồi sẽ đến lúc trổ quả dù rằng chúng ta có thực hiện nghi lễ gì đi chăng nữa. Nếu có nghiệp thì sẽ trổ quả. Nếu không có tiền nghiệp thì không ma quỷ hay tà thuật nào có thể hãm hại chúng ta. Vì vậy điều đầu tiên là cần nhớ trong tâm mình sự vận hành của luật nhân quả. Thứ hai, nếu chúng ta có giấc mơ xấu và muốn xua tan nó thì trước tiên không nên nói cho nhiều người về giấc mơ đó và cũng không nhất thiết phải đi hỏi tiên đoán. Bản thân Thầy khi gặp giấc mơ kiểu như thế thì Thầy chỉ nương tựa vào đức Quan âm (Tara), thực hành Pháp và tin tưởng vào luật nhân quả. Đó chính là phương pháp để xua tan giấc mơ xấu. Ở phần trên đã nói, nếu trong đời quá khứ con đã sám hối lỗi lầm và hiện tại con đang thực hành giáo Pháp thì có thể xua tan được điềm xấu. Tuy nhiên nếu nghiệp của con không thể tiêu trừ được thì nó vẫn sẽ trổ quả cho dù con có thực hiện bao nhiêu nghi lễ hay xem bao nhiêu tiên đoán đi chăng nữa. Đó chính là kinh nghiệm cá nhân của Thầy. Thầy chưa từng bao giờ đi xin tiên đoán hay xem “mô” [cho chính mình]. Thầy luôn nghĩ là nghiệp sẽ quyết định. Nếu gặp khó khăn thì Thầy sẽ thực hành và nương tựa vào đức Quan Âm (Tara). Nếu khó khăn qua đi thì tốt, còn nếu không thì đó chính là nghiệp của Thầy. Hiểu như thế nên Thầy không cần đến tiên đoán. Bởi vì xem tiên đoán đôi khi gây ra rất nhiều suy nghĩ trong tâm. Vì thế tốt hơn là không nên dựa vào tiên đoán mà nên thực hành Bổn Tôn và tin sâu về luật nhân quả. Nếu có thể thay đổi được điềm xấu, ví dụ do trong quá khứ con đã sám hối, thì bây giờ việc thực hành cúng dường khói hương hay thực hành Bổn Tôn Quan Âm có thể xua tan điềm xấu ấy. Còn sẽ khó để có thể xua tan điềm xấu nếu con chỉ dựa vào việc xem tiên đoán và chiêm tinh.

“Khi năm giác quan trở nên che chướng, đây là cách để thanh lọc.” Năm giác quan trở nên che chướng là do nghiệp và cảm xúc ô nhiễm của bản thân chúng ta. Khi giác quan bị che chướng, chúng ta có thể nhìn thực tại theo cách sai lệch và không chân thực. Pháp cúng dường khói hương giúp dẹp bỏ che chướng và làm cho giác quan được sáng rõ.

“Khi các vị thần bảo hộ và các vị thần tài bảo trở nên bất tịnh, đây là cách để tịnh hóa.” Thường thì chúng ta có thể được vị thần bảo hộ nào đó bảo vệ cho bản thân và gia đình mình. Làm sao họ lại bị làm cho bất an – điều này được giải thích ở dòng tiếp theo: “Khi mà sự thù nghịch, tranh cãi, đố kị nảy sinh, đây là cách để loại bỏ.” Trong gia đình nếu các thành viên sống không hòa thuận, ví dụ luôn có cãi cọ và xung khắc giữa cha mẹ và con cái thì mối quan hệ đó trở thành giống như thuốc độc. Điều đó sẽ làm bất an những vị thần bảo hộ gia đình ấy. Nếu gia đình đó hòa hợp thì những vị thần bảo hộ sống ở đó cũng hòa hợp và an lành. Còn nếu ở trong gia đình mà, ví dụ, cha mẹ luôn mắng và tức giận với con cái thì chính những cảm xúc tức giận, sân hận, ghen tỵ sẽ làm tâm của thành viên trong gia đình bất an và cũng làm bất an tâm của những vị thần bảo hộ sống ở nơi đó. Chính vì vậy họ lại trở thành ma quỷ gây hại. Chính bởi vì cảm xúc ô nhiễm như đố kỵ, tức giận, sân hận của gia đình đó đã làm bất an tâm của các vị thần bảo hộ, điều đó làm họ đau khổ và đánh mất trí tuệ, vì thế họ gây nên đủ loại tổn hại.

Giả sử có một người bạn con hết mực yêu thương. Nếu cãi vã xảy ra và con nổi giận thì con có thể đánh mất tất cả nhận thức và cảm giác, trở nên hoàn toàn bị che chướng. Một điều nguy hiểm là khi người ta bị hoàn toàn che chướng do sân hận thì có thể dẫn đến đánh nhau và thậm chí là giết nhau. Người ta có thể trở nên hoàn toàn vô ý thức về điều mình đang làm nếu bị che chướng bởi các cảm xúc sân hận và đố kỵ v.v. Thực ra gia đình và bạn bè là những người chúng ta yêu thương và không thể cư xử kiểu như vậy. Vì thế cúng dường khói hương là phương pháp giúp xua tan những che chướng trong các mối quan hệ gần gũi đó, và cũng giúp xua tan đi những bất an gây ra cho các vị thần bảo hộ và các vị thần linh thổ địa.

“Khi ảo tưởng và vọng niệm xuất hiện, đây là cách để xua tan.” Khi thực hành Pháp, chúng ta thường gặp phải rất nhiều kinh nghiệm khác nhau trong tâm và cũng gặp phải nhiều loại suy nghĩ. Có lúc chúng ta cảm thấy bình an, có lúc lại thấy bực bội và không an lành trong tâm. Chúng ta nhận ra đó là sự hóa hiện từ chính những suy nghĩ của mình. Cách suy nghĩ và chính những suy nghĩ đã dẫn chúng ta gặp phải đủ loại hình thái khác nhau. Ví dụ có người nhìn thấy ma quỷ nhưng chỉ mình người đó thấy vậy. Những kiểu suy nghĩ và ảo tưởng như thế có thể dẫn người ta đến chỗ hóa điên. Vì thế điều quan trọng Thầy muốn nhắc lại ở đây là chúng ta cần phải hiểu được vấn đề căn bản. “Nhân” chính là tiền nghiệp chúng ta đã gieo trong quá khứ và “duyên” chính là các loại suy nghĩ khác nhau xuất hiện. Pháp cúng dường khói hương là cách để xua tan những suy nghĩ ảo tưởng đó.

“Khi có sự xúc phạm gây ra bởi việc xây cất các thành quách, các tòa nhà và nhà cửa trên đất đai, đây là cách để làm an dịu. Khi các vị bảo hộ lơ đãng với kết nguyện của họ, đây là cách để phục hồi”. Nội dung này có liên quan đến câu tiếp theo: “Khi có ngày xấu, tháng xấu, năm xấu hay thời điểm xấu, đây là cách để tịnh hóa”.

Liên quan đến ngày, năm và sao thì thực tế là một số ngôi sao có vị thần chủ mệnh. Điều này được phản ảnh trong tên gọi của các ngày trong tuần vì nó liên quan đến vị thần làm chủ mệnh ngôi sao. Vì thế mỗi ngôi sao có liên hệ đến một vị thần chủ mệnh của ngôi sao đó. Nếu chúng ta làm bất an các vị thần chủ mệnh ngôi sao thì họ sẽ tức giận và có thể gây ra tổn hại. Cúng dường khói hương là cách để làm an dịu các vị thần chủ mệnh ngôi sao và thần thổ địa trong khu vực. Giống như đối với đất nước, nếu ai đó đến làm tổn hại đất nước thì người dân sẽ làm mọi việc để bảo vệ. Tương tự như thế, nếu chúng ta xây nhà ở một nơi nhất định nào đó thì có thể gây ra xáo trộn và bất an; và vì thế cúng dường khói hương là để xua tan đi các bất an gây ra cho các vị thần công thổ địa. Tuy nhiên như Thầy đã nói, gốc rễ là tiền nghiệp chúng ta đã tạo trong quá khứ, và duyên là chòm sao, ngày, tháng, năm không tốt. Ví dụ nếu một người có công đức vĩ đại thì chòm sao, ngày, tháng và năm sẽ tự nhiên thuận lợi cho người ấy. Tức là nghiệp chính là thứ mang tính chất quyết định. Tuy nhiên khi chúng ta xây nhà mới hay khi có xáo trộn, chướng ngại xảy ra trong nhà chúng ta đang ở thì cúng dường khói hương là phương pháp tốt để giải quyết các chướng ngại đó.

Viết bình luận của bạn:

icon icon icon icon icon icon