Điểm chính yếu trong mọi thực hành pháp, kể cả cúng dường khói hương, là chúng ta cần thực hành cùng với Bồ Đề Tâm. Khi mọi việc chúng ta làm được kết hợp với Bồ Đề Tâm thì tự nhiên sẽ trở thành thực hành Lục Độ Ba La Mật: cúng dường (hoặc bố thí), trì giới, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Thực hành cúng dường khói hương chính là Ba La Mật đầu tiên. Có nhiều loại cúng dường hoặc bố thí như vật thí, pháp thí, vô úy thí. Ở đây chúng ta đang nói đến bố thí pháp. Có các loại như cúng sang (cúng dường khói hương), cúng sur (cúng hương linh), cúng bánh torma, và cúng dường thực phẩm .v.v. Chúng ta chủ yếu đang đề cập đến cúng sang, cúng sur, cúng bánh torma. Đây là phương pháp cúng dường rất lợi lạc trong trường hợp không có phẩm vật cúng dường. Chúng ta mang lại lợi ích to lớn thông qua việc quán tưởng bằng tâm. Thực tế lợi ích của việc cúng dường khói hương còn lớn hơn [cúng dường phẩm vật].
Khởi đầu pháp cúng dường khói hương, chúng ta tụng sáu câu chú và thực hiện sáu thủ ấn. Ngoài ra chúng ta còn quán tưởng khi tụng chú. Tụng chú và bắt ấn cũng để gia trì phẩm vật. Điều quan trọng là cần phải hiểu được ý nghĩa của thực hành cúng dường khói hương. Nếu hiểu được ý nghĩa của pháp tu này thì thông qua việc quán tưởng, tụng chú và bắt ấn, chúng ta có thể làm cho phẩm vật nhỏ bé trở nên rộng lớn tràn khắp, tức là có thể làm phẩm vật được tăng nhiều lên gấp bội phần.
Pháp cúng dường khói hương được viên thành do bởi phẩm chất của ba năng lực. Năng lực thứ nhất là tâm nguyện tốt lành của chúng ta. Năng lực thứ hai là tình yêu thương và lòng bi mẫn của chư Phật. Năng lực của chư Phật được chúng ta thỉnh gọi thông qua việc tụng sáu câu chú cùng với quán tưởng và thực hiện sáu thủ ấn. Năng lực thứ ba là năng lực của pháp giới. Sáu thủ ấn có thể thực hiện trong bất kỳ loại cúng dường nào, các thủ ấn đó thể hiện hạnh quảng đại. Năng lực thứ ba chỉ ra rằng vạn pháp không có sự tồn tại cố hữu mà chỉ tạm thời xuất hiện như cách chúng ta thấy. Vì vậy pháp cúng dường chân thực chính là do tâm tạo. Bất cứ thứ gì chúng ta nghĩ đến thì thứ đó cũng có thể hóa hiện trong tâm, và chúng ta có thể cúng dường. Chính vì thế phẩm vật có thể được làm cho tăng nhiều lên gấp bội phần, có thể chuyển hóa phẩm vật thông qua tâm. Thông qua đó chúng ta mang lại công đức to lớn.
Có nhiều cách tu tập hạnh quảng đại. Ví dụ ở mức độ bên ngoài chúng ta bảo vệ những người gặp khó khăn, như giúp người bệnh, khách đến từ xa, người nghèo, người khốn khó khổ đau v.v. Chúng ta nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp đỡ mọi người. Chẳng hạn có người bạn đạo đi từ xa đến để học Pháp, chúng ta đến sân bay đón họ, sắp xếp cho họ ở trong phòng của mình v.v. – đó là một hình thức cúng dường hay bố thí. Hình thức thứ hai là bố thí sự vô úy (vô úy thí), tức là bảo vệ người khác khỏi những nỗi sợ hãi như sợ bị cướp, sợ động vật hoang dã v.v. Ví dụ khi có tên cướp định tấn công một người thì chúng ta đến ngăn chặn làm cho tên cướp không thực hiện được ý đồ của hắn. Chúng ta làm mọi việc để người khác không bị hãm hại. Thứ ba là bố thí vật chất. Chúng ta nên cho đi nhiều nhất những gì mà chúng ta có thể – mọi thứ trong khả năng của mình – ví dụ tiền bạc hay vật dụng sở hữu. Ở đây điều chính yếu không phải là có bao nhiêu để bố thí mà là ý nguyện trong tâm của chúng ta. Ví dụ một người nghèo có thể bố thí 1 đô-la là đủ trong khi người giàu hơn có thể bố thí 100 đô-la. Có khi việc bố thí 1 đô-la của người nghèo còn mang lại lợi ích nhiều hơn 100 đô-la của người giàu, vì điều đó phụ thuộc và động lực của tâm. Thứ tư là bố thí Pháp: cúng “sang”, cúng “sur”, hay các loại bánh cúng torma.
Liên quan đến việc bố thí thức ăn, khi có thức ăn thừa vứt đi thì chúng ta nên bố thí và hồi hướng. Chúng ta bố thí cho những chúng sinh không may mắn, họ không có khả năng để có được bất kỳ thức ăn nào khác ngoại trừ những đồ thừa bỏ đi. Chỉ khi chúng ta hồi hướng thì họ mới nhận được. Sở dĩ những chúng sinh đó bất hạnh là vì trong đời quá khứ đã đánh mất Bồ Đề Tâm và vì vậy sự chấp ngã của họ rất mạnh mẽ. Trong giai đoạn trung ấm, thần thức bám luyến vào thân thể của họ lang thang nhưng họ lại không có đủ nghiệp lành để tìm những thức ăn thông thường mà chỉ có thể tìm đến thức ăn bỏ đi, thậm chí không có khả năng để nhận được ngay cả đồ thừa do sự bám chấp nhị nguyên ta – người trong tâm. Về phía bản thân mình, chúng ta cũng có sự bám chấp nhị nguyên, vì thế cần hồi hướng cho họ. Nếu chúng ta chỉ vứt đồ ăn thừa đi thì các chúng sinh kém may mắn đó sẽ không nhận được. Nhưng nếu chúng ta hồi hướng, ví dụ tụng một vài câu chú Mani và chủ tâm hồi hướng cho họ, thì họ có thể nhận được đồ ăn thừa đó. Chỉ khi đó các chúng sinh ấy mới có được duyên may và khả năng để thọ dụng. Vì vậy những đồ ăn thừa thì chúng ta bố thí thông qua cách trên, còn những thứ bản thân mình ăn thì chúng ta cúng dường lên Tam Bảo. Do đó có bốn cách thực hành hạnh quảng đại.
Chúng ta bắt đầu với câu minh chú đầu tiên – minh chú của Đức Thích Ca Mâu Ni “Om svabhāva shuddha sarva dharma svabhāva shuddhō ham”, có nghĩa là “Các phẩm vật tự tánh vốn rỗng Không”. Ví dụ về trái cây này, chúng ta nghĩ: tôi là người ăn trái cây và trái cây là thứ để ăn. Nhưng thực chất thì cả người ăn trái cây và trái cây (vật để ăn) đều không có sự tồn tại cỗ hữu mà chân tánh là rỗng Không. Tất cả đều do tâm tạo. Vì thế chúng không có sự tồn tại chân thật, chúng có bản chất rỗng Không. Ngài Long Thọ trong tác phẩm Trung Quán Luận đã nói rằng: chính vì tánh Không mà mọi thứ đều có thể hóa hiện. Và điều đó liên hệ đến điều chúng ta đang nói ở đây. Chẳng có gì tự thân tồn tại, chân tánh của vạn pháp là rỗng Không. Chính vì thế khi tâm nghĩ đến thứ gì thì có thể tạo nên thứ đó. Điều này rất ý nghĩa. (Sau đó Rinpoche dạy cách bắt ấn khi tụng câu chú này, và nói rằng bắt ấn như thế là thể hiện cho tánh Không).
Câu minh chú đầu tiên tịnh hóa tất cả vào trong tánh Không. Chính vì thế mà khi bắt ấn, chúng ta để khoảng trống giữa hai lòng bàn tay. [Chân] tâm thì rỗng rang trong đó khái niệm “tôi” không tồn tại, tâm ấy giống như hư không. Tâm giống hư không vì cùng một bản chất rỗng rang. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ được điều này, vì thế đây là câu chú của Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã hiểu được vạn pháp như đúng bản chất của chúng. Tất cả đều mang tánh Không. Cả người hồi hướng và đối tượng hồi hướng đều mang bản tánh rỗng Không.
Câu minh chú thứ hai là của Đức Tỳ Lô Giá Na “Namah sarva tathāgate bhyo vishva mukhe bhyah / sarva tha kham udgate spharana imam gagana kham svāhā”. Từ trong hư không, sáu cõi luân hồi – là sản phẩm của tâm – xuất hiện một cách tự nhiên. Người, ngạ quỷ, các loại sinh linh khác nhau v.v. tất cả đều hiện hữu và tất cả đều là sản phẩm của tâm. Ví dụ, tâm bỏn sẻn hóa hiện ra thành ngạ quỷ. Tại sao lại như vậy? Giả sử ở đây có một chút thức ăn và có loại côn trùng nhỏ xíu bay lượn xung quanh. Các con côn trùng đó đói và chúng muốn ăn thức ăn nhưng chúng lại không có đủ thiện nghiệp để có thể thọ hưởng thức ăn đó. Thức ăn có ở đó và chúng bay xung quanh mà không thể ăn được vì không có thiện nghiệp. Tuy nhiên chúng ta là con người và có thể thọ dụng thức ăn đó. Chúng ta mang nghiệp con người nên có một thứ vật chất dưới dạng thức ăn và chúng ta có thể ăn. Những chúng sinh có thể thọ dụng thức ăn như là chúng ta và những chúng sinh không thể thọ dụng thức ăn đều cùng nhau sống chung trong một không gian. Chân tâm của tất cả là đồng đẳng. Khi hồi hướng cho những chúng sinh không thọ nhận được những thực phẩm kia thì chúng ta hồi hướng điều gì và họ thực sự cần gì? Điều họ cần là tình yêu thương để giảm thiểu chấp ngã của chính họ. Tình yêu thương của chúng ta có thể làm tan chảy tảng băng chấp ngã của họ. Chỉ khi chấp ngã không còn nữa thì chúng sinh mới thành Phật. Nền tảng tâm của tất cả là như nhau. Khi chấp ngã giảm thiểu thì những chúng sinh kia mới có thể dần dần cảm nhận được các trạng thái hỷ lạc. Đầu tiên họ có thể thọ hưởng được những trạng thái của người và Trời, ví dụ có thể thọ hưởng thức ăn, rồi sau đó dần dần trở thành Bổn Tôn trí tuệ và có được hỷ lạc của các cõi Tịnh Độ. Vì vậy sự hồi hướng thực sự chính là tình yêu thương.
Tất cả những gì tồn tại một cách tự nhiên trên vũ trụ này như hoa lá, cây cối, lương thực v.v. đều là sản phẩm của tình yêu thương đến từ chư Phật chứ chẳng phải do ai tạo ra cả. Những gì thiên nhiên ban tặng [thực chất] đến từ tình yêu thương, lòng bi mẫn và tánh Không của chư Phật. Chư Phật đã giác ngộ được tánh Không và đại bi, còn chúng sinh thì chưa giác ngộ được điều đó. Vì vậy xuất phát từ lòng đại bi của chư Phật mà tạo hóa đã xuất hiện theo nhiều cách khác nhau một cách tự nhiên. Tất cả đều là các hóa thân đến từ tâm nguyện của chư Phật. Tuy nhiên có những thứ chúng ta nhìn thấy và có những thứ chúng ta không nhìn thấy được. Trong hư không, những tinh chất đem lại sự sống của năm nguyên tố lan tỏa khắp nơi – một số trong chúng, chúng ta có thể nhìn thấy và một số thì không thể nhìn thấy. Những tinh chất của sự sống có mặt ở mọi nơi, khắp hư không được thẩm thấu bởi những tinh chất đem lại sự sống của năm nguyên tố. Vì thế mà pháp tu cúng dường khói hương mang lại nhiều lợi lạc. Tất cả phẩm vật được tịnh hóa vào trong tánh Không. Và bởi vì tinh chất đem lại sự sống của năm nguyên tố lan tỏa cùng khắp hư không nên khói hương cúng dường sẽ hòa nhập vào trong những tinh chất ấy.
Một số người nghĩ rằng cúng dường khói hương (“sang” ) hay cúng “sur” thường là một pháp hành trì nhỏ bé và vì thế làm sao có thể mang lại lợi lạc to lớn được. Tuy nhiên pháp hành trì này không nhỏ nếu chúng ta phát khởi Bồ Đề Tâm. Ở mức độ tương đối thì có vẻ trông như một nghi lễ cúng dường nhỏ bé nhưng thực ra không phải như vậy. Có rất nhiều người cử hành lễ cúng dường khói hương và khi mọi người cùng làm thì họ đang cúng dường khói hương với nhau, và vì vậy khói hương cúng dường của người này hòa nhập vào của người kia. Tinh chất cho sự sống của năm nguyên tố tràn khắp hư không, và khi tất cả khói hương cúng dường hòa nhập vào những tinh chất đó thì tất cả là một.
Tại sao tất cả trở thành một. Bởi vì tất cả cùng thực hành trên một nền tảng – đó là Bồ Đề Tâm. Và như thế thì tâm của chúng ta đang hòa nhập vào nhau khi thực hành pháp cúng dường khói hương. Khi chúng ta thực hành Pháp này cùng với Bồ Đề Tâm thì điều đó sẽ trở thành việc cầu nguyện, phát khởi lòng bi mẫn và hồi hướng cho chúng sinh, đồng thời cũng là cúng dường lòng sùng mộ đến chư Phật tại các cõi Tịnh Độ. Khi tất cả chúng ta thực hành với cùng một động lực tâm như thế thì tất cả sẽ hòa nhập với hư không, với bầu trời, và trong hư không thì tất cả khói hương cúng dường hòa nhập làm một. Điểm này rất quan trọng. Thủ ấn của câu minh chú thứ hai này thể hiện sự hòa nhập vào hư không, sự hợp nhất giữa tính Không và lòng bi mẫn. Vì vậy điểm rất quan trọng cần hiểu được là làm thế nào để tâm nguyện của chúng ta có thể hòa nhập vào hư không.
Câu minh chú thứ ba là của Đức Cam Lộ Du Minh Vương “Om vajra amrita kundali hana hana hūm phat”. Thủ ấn với hai ngón tay cái đan vào nhau thể hiện tình yêu thương và lòng bi mẫn. Đó là việc trao tặng tình yêu thương và lòng bi mẫn đến hữu tình là đối tượng của nghi lễ cúng dường chúng ta đang cử hành. Nếu chúng ta không trao tặng cho họ tình yêu thương thì họ không thể nhận được phẩm vật cúng dường. Đan hai ngón tay cái vào nhau tượng trưng cho tình yêu thương và lòng bi mẫn, hiểu được rằng rất cả mọi hữu tình chúng sinh đều từng là cha mẹ của ta. Khi họ nhận được tình yêu thương thì điều đó làm giảm thiểu sự chấp ngã của họ và do vậy họ có thể thọ hưởng đồ cúng dường.
Câu minh chú có nghĩa là “tất cả các phẩm vật trở thành một biển cam lộ vĩ đại”. Tiếng Tạng từ đü-tsi có nghĩa như sau. Chữ “đü” có nghĩa là ma vương và ma vương ở đây chính là chấp ngã. Chính do tâm chấp ngã mà chúng sinh đắm chìm trong biển khổ luân hồi, đặc biệt là ba cõi thấp. Khi chúng sinh phát khởi được tình yêu thương và lòng bi mẫn thì tâm chấp ngã sẽ bị phá hủy. Chữ “tsi” có nghĩa là cam lộ. Khi chúng ta hòa nhập ma vương chấp ngã vào trong Bồ Đề Tâm thì sẽ không còn chấp ngã. Ma vương năm độc sẽ trở thành cam lộ của năm trí tuệ. Khi năm ô nhiễm chuyển hóa thành năm trí tuệ thì ma vương trở thành nước cam lộ, trở thành lương dược.
Phẩm hạnh của tình yêu thương là gì. Ví dụ có một người yêu con rất nhiều và mang đến cho con một viên kẹo nhỏ xíu. Con ăn và cảm thấy hương vị viên kẹo đó tuyệt vời làm sao. Sở dĩ như vậy bởi vì con nhận viên kẹo từ một người rất yêu thương con. Đó chính là sức mạnh của tình yêu thương, nó chính là phương thuốc đối trị với chấp ngã. Ngược lại giả sử có ai cho con một thứ rất giá trị nhưng lại không đi cùng với tình yêu thương. Khi đó con chẳng có cảm nhận đặc biệt nào cả. Nhưng chỉ một chút thực phẩm mà đi cùng với tình yêu thương thì sẽ mang lại cảm nhận mạnh mẽ. Đó là phẩm hạnh của tình yêu thương, nó chuyển hóa mọi thứ thành cam lộ của lương dược. Khi tâm con có tình yêu thương thì sẽ mong muốn được trao tặng [cho chúng sinh] và vì vậy mọi thứ sẽ được chuyển hóa thành một biển cam lộ vĩ đại.
Câu minh chú thứ tư là minh chú của Đức Bảo Sanh “Namah sarva tathāgata avalokite oṁ sambhara sambhara hūm” – “Tất cả các phẩm vật hòa hợp với những ước nguyện của các vị khách”. Câu chú này muốn nói tới năng lực của chư như Lai hay năng lực của tất cả chư Phật và chư Bồ Tát. Đó là năng lực đến từ tình yêu thương và lòng đại bi của chư Phật ba thời. Tất cả các yếu tố bên ngoài chính là các hóa thân Phật đến từ lòng đại từ đại bi của các Ngài. “Tất cả các phẩm vật hòa hợp với những ước nguyện của các vị khách” có nghĩa là trong tâm chúng ta quán tưởng khói hương cúng dường trở thành bất thứ điều gì chúng sinh cần. Ví dụ ai ốm có thuốc, ai chết có nước cam lộ gia trì, ai cần quần áo sẽ được quần áo, ai cần thức ăn sẽ được thức ăn, ai cần bạn đồng hành sẽ có bạn đồng hành. Chúng ta tụng lời nguyện ở đây là cầu cho chúng sinh nhận được bất cứ thứ gì họ cần. Thông qua năng lực của tâm nguyện như thế mà các phẩm vật cúng dường có thể thực sự trở thành bất cứ thứ gì chúng sinh cần đến.
Câu minh chú thứ năm của Đức Bất Không Thành tựu “Om jñāna avalokite namaḥ samanta spharana rasmi sambhava samaya mahā mani duru duru hridaya jvalani hūm”, có nghĩa là “Tất cả các phẩm vật có được không thêm không bớt hay bị xung đột với các vị khách.” Thủ ấn đi kèm với câu chú này là chúng ta giữ cao tay phải như thế này và tay trái chuyển động như vậy, có nghĩa là mọi phẩm vật được thọ hưởng không suy giảm hay tăng thêm, không xung đột với nhu cầu của các vị khách. Tất cả các vị khách đã đến, đã nhận được những gì họ cần. Và ngay cả khi họ về đến nơi cư trú của mình thì cũng không có gì bị suy giảm, mà nơi họ cư trú tràn đầy những gì họ cần và họ hoan hỷ thọ hưởng.
Và tiếp theo, câu chú thứ sáu là câu chú của Đức Kim Cang Thủ “Namah samanta buddhanāṁ graheshvari prabhañjati mahā samaya svāhā”, có nghĩa là “Mỗi một vị khách đều được năng lực của con thu phục”. Tức là tất cả các vị khách đã trở thành những người bạn và họ hạnh phúc. Ví dụ khi chúng ta yêu thương một người nào đó thì người đó cũng yêu thương và thể hiện sự tôn trọng chúng ta. Cách bắt ấn trong câu minh chú này có thể khác nhau giữa các dòng truyền thừa, tuy nhiên câu minh chú thì như nhau. Vì vậy nếu con đang tu tập theo dòng truyền thừa nào thì con bắt ấn theo dòng truyền thừa đó.
Khi thực hiện cúng dường khói hương hay tiến hành bất kỳ cầu nguyện nào, chúng ta sắp đặt một số phẩm vật dâng cúng nhất định. Chúng ta có thể nghĩ là những phẩm vật này nhỏ bé nhưng thực chất thì chúng không hề nhỏ bé. Tất cả mọi phẩm vật đều xuất hiện từ một nền tảng – đó là năm nguyên tố, và thông qua cúng dường khói hương thì chúng tan hòa trở lại vào trong tinh chất đem lại sự sống của năm nguyên tố. Ví dụ khi chúng ta nấu thức ăn, tinh chất rời thức ăn dưới dạng hơi. Chính hơi (bốc lên từ thức ăn trong lúc nấu) chứa tinh chất của thức ăn và chúng tan hòa vào hư không, tan hòa vào tinh chất của sự sống tràn khắp hư không. Thực ra đồ nấu mà chúng ta ăn chỉ là đồ thô tế còn lại không còn tinh chất nữa. Vì vậy trong hư không, những tinh chất của sự sống xuất hiện một cách tự nhiên. Khi chúng ta cúng dường Tam Bảo với lòng sùng kính thì điều đó sẽ mang lại công đức to lớn. Khi chúng ta hồi hướng cho chúng sinh với tình yêu thương và lòng bi mẫn thì họ có thể nhận được đồ chúng ta cúng dường. Nhờ đó chúng ta có thể trả nợ được các chủ nợ ân oán thông qua việc trao cho họ những thứ họ cần. Vì vậy chúng ta cần hiểu được bản chất của vạn pháp. Tinh chất của sự sống tràn khắp hư không, và khi chúng ta quán tưởng với tâm nguyện thanh tịnh – cúng dường chư Phật và bố thí cho chúng sinh – thì sẽ mang lại lợi lạc thật sự.
Thực ra ở các cõi Tịnh Độ mọi thứ đều có sẵn một cách tự nhiên và không cần dụng công. Tuy nhiên thông qua cúng dường chư Phật ở các cõi Tịnh Độ, chúng ta tích lũy được công đức. Khi cúng dường và bố thí cho chúng sinh trong sáu cõi luân hồi thì điều tối quan trọng là tâm nguyện của mình – chúng ta muốn trao tặng cho họ vì yêu thương họ. Nếu không có tình yêu thương thì họ không thể nhận được phẩm vật. Vì vậy động lực thúc đẩy ở đây chính là tình yêu thương đối với họ. Nếu chúng ta cúng dường như thế thì họ có thể nhận được. Xuất phát từ tâm nguyện, rồi chúng ta trao cho họ với tình yêu thương, khi đó họ có thể thọ nhận. Tình yêu thương của chúng ta ban tặng giúp cho chúng sinh giảm thiểu chấp ngã. Chính vì chấp ngã mà chúng sinh phải chịu biết bao thống khổ, họ đói khát mà không thể nhận được phẩm vật. Thông qua tình yêu thương chúng ta gửi đến họ mà dần dần sự chấp ngã của họ giảm thiểu và họ sẽ giảm thiểu sự thống khổ cơ hàn, đói kém v.v.
Và như đã nói ở trên mọi sự viên thành là do ba năng lực. Thứ nhất là tâm nguyện tốt lành của chúng ta. Tâm nguyện của con cần phải hoàn toàn chân thành và thanh tịnh không nhuốm bất kỳ sự vị kỷ nào vì lợi ích của bản thân. Nếu con nhất tâm mong muốn làm lợi ích cho chúng sinh mà không hề có chút chấp ngã nào cả thì pháp cúng dường khói hương sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho cả chúng sinh và chính bản thân con. Thứ hai là năng lực đến từ lòng đại bi của chư Phật. Chư Phật đã thấu biết rằng chúng sinh chỉ tạm thời hiện hữu do bởi nghiệp và tập khí của họ, giống như tảng băng trong nước. Chính là lòng bi mẫn sẽ làm tan chảy sự chấp ngã của chúng sinh. Vì vậy chư Phật có lòng đại bi dành cho chúng sinh. Dù rằng chư Phật chỉ tụng một câu chú Mani thì cũng luôn cầu nguyện rằng việc đó sẽ mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Đó là năng lực đến từ lòng đại bi của chư Phật. Thứ ba là năng lực của Pháp giới, như đã đề cập trong câu chú thứ nhất. Thông qua năng lực này mà những vị khách nhận được đồ cúng dường. Thực chất thì không có gì tồn tại tự thân. Chúng sinh tạm thời phải chịu đau khổ là do bởi nghiệp và tập khí của họ. Các cõi Tịnh Độ hóa hiện một cách tự nhiên do bởi Bồ Đề Tâm, còn sáu cõi luân hồi tồn tại do bởi chấp ngã và cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên cả chư Phật và chúng sinh đều không thực sự tồn tại; thanh tịnh và bất tịnh cũng không có sự tồn tại tự thân. Vạn pháp siêu vượt tồn tại và không tồn tại mà chỉ xuất hiện giống như hư huyễn. Chư Phật thấu biết điều ấy; tức là thanh tịnh và bất tịnh, chư Phật và chúng sinh cũng chỉ là hư huyễn mà thôi. Nhận ra điều này chư Phật tự do giải thoát khỏi mọi bám chấp vào bất kỳ một thực tại nào hay trước bất cứ điều gì diễn ra.
Nếu hiểu được ba năng lực này thì chúng ta có thể thấy pháp cúng dường khói hương mang lại lợi ích như thế nào. Ví dụ chúng ta có thể cử hành lễ cúng dường khói hương cho người đã mất. Làm sao họ nhận được lợi ích, đó là khi chúng ta hồi hướng cho họ với tình yêu thương. Chính tình yêu thương mang lại lợi ích cho họ. Vì thế chúng ta cần tin tưởng vào tình yêu thương của chính bản thân mình. Ngoài ra khi chúng ta tụng bất kỳ minh chú nào với sự hiểu biết nói trên thì khi đó chúng sinh có thể nhận được đồ cúng dường thông qua tình yêu thương của chúng ta. Không chỉ có pháp cúng dường khói hương mà bất cứ pháp cúng dường nào chúng ta thực hiện thì cũng có thể áp dụng sáu câu minh chú nói trên. Vì thế việc hiểu được ý nghĩa của những minh chú này là điều quan trọng.
Chúng ta bắt đầu bước vào phần chính của nghi lễ cúng dường khói hương, bắt đầu bằng “Ê-ma-hô! Xin hãy quán xét điều này! Tuyệt vời nhất của bốn lục địa là Cõi Diêm Phù Đề – Vua của các cõi – nằm ở phương Nam. Phía đông bắc của cõi Diêm Phù Đề, trên núi A-va-ka-na có mọc ba loại cây chứa nước cam lộ của sự bất tử.” Phần này giải thích thế giới này tồn tại thông qua cách nào. Có rất nhiều cây thảo dược, nhưng ba loại cây được nói ở đây mang cam lộ của sự bất tử: “dưới chân núi là những cây ngải ra hoa vàng, dọc sườn núi là những cây bách với chồi xanh lam, trên đỉnh núi là những cây đỗ quyên ra hoa màu ốc xà cừ”. Đó là ba loại cây siêu việt chứa cam lộ của sự bất tử. Có nhiều ý kiến khác nhau về câu hỏi “có bao nhiêu loại cây như thế” v.v. nhưng có thể lấy một ví dụ về cây bách. Cây bách chứa phẩm chất của sự bất tử hay trường thọ. Những loại cây này cũng chính là hóa thân Phật. Chư Phật hóa hiện với tâm nguyện mang lại lợi ích cho chúng sinh và làm cho họ hạnh phúc. Bất cứ thứ gì tồn tại một cách tự nhiên mang lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sinh thì có thể hiểu đó chính là các hóa thân Phật. Ví dụ về một cái cây có thể là nơi trú ngụ của hàng triệu chúng sinh, có thể mang lại thực phẩm, là nơi cho bóng mát và khi mùa đông đến, nó có thể là nơi tạm trú. Cây cũng có thể ra hoa và cho mật. Như vậy cây mang lại hỷ lạc và hạnh phúc cho tâm của chúng sinh, vì thế đó chính là hóa thân Phật.
Cây bách là loại cây quý hiếm vì nó giúp kéo dài thọ mạng. Cây bách rất đặc biệt, ví dụ nó không bị tàn phá bởi cái lạnh băng giá của mùa đông, cũng không bị phá hủy bởi sức nóng mạnh mẽ của mùa hè. Cây bách luôn luôn phát triển, vì thế nó là loại cây đặc biệt. Có một câu chuyện về một người giống như đức Milarepa. Đó là vào thời kỳ cách mạng văn hóa xảy ra ở Tây Tạng. Vào năm 1949 người đàn ông này đã trốn lên núi để khỏi bị bắt và đã sống đơn độc trên núi suốt hai mươi năm. Trong suốt thời gian đó ông chỉ dựa vào cây bách để nuôi sống bản thân. Vì vậy khi ông bị phát hiện thì người ta đã không bỏ tù hoặc bắt giữ ông, họ cảm thấy rất kinh ngạc về cách ông đã sống sót trong suốt hai mươi năm chẳng khác nào đức Milarepa và vì vậy đã thả ông tự do. Vì vậy cây bách có một năng lực rất đặc biệt và viên thành lợi ích cho chúng sinh. Ngoài ra cây bách cũng tồn tại một cách tự nhiên do tâm nguyện của chư Phật.
Các nguyên tố tồn tại cũng do tâm nguyện của chư Phật. Các tôn giáo khác nói rằng thiên nhiên là do Chúa ban tặng, là sản phẩm của Chúa. Họ nói như vậy cũng tốt. Chúng ta nói mọi thứ là hiện thân của chư Phật. Vậy chỉ có cách dùng từ ngữ là khác nhau. Mọi thứ tồn tại một cách tự nhiên nhưng đó chính là sự ban tặng xuất phát từ tình yêu thương và lòng bi mẫn của chư Phật. Các cõi tịnh độ xuất hiện bởi Bồ Đề Tâm của chư Phật, còn thế giới của chúng ta có cả hai thứ thanh tịnh và bất tịnh. Mọi thứ mang lại lợi ích cho chúng sinh đều hóa hiện từ Bồ Đề Tâm của chư Phật. Tam độc hay ba ô nhiễm tạo ra các cõi luân hồi. Tam độc làm cho mọi thứ trở thành độc tố, vì thế chúng ta nói có thanh tịnh và bất tịnh. Nhưng cần hiểu những phẩm vật cúng dường đang nói đến trong nghi quỹ này là sự hóa hiện từ Bồ Đề Tâm vĩ đại của chư Phật. Điều này cũng liên hệ đến năng lực thứ hai mà chúng ta đã nói đến ở trên, năng lực đến từ lòng đại bi của chư Phật.
Mấy dòng tiếp theo tự nó đã nói khá rõ nên Thầy sẽ đọc theo trong nghi quỹ:
“Với những phẩm tính tối hảo, xanh mướt và toả hương suốt cả bốn mùa, ba loại cây tuyệt vời này chứa đựng linh đan thành tựu sự bất tử. Đó chính là phẩm tánh siêu phàm của những loại cây kỳ diệu này.
Để xua tan những vọng niệm mê lầm của chúng sinh, thông qua sự gia trì của các Đấng Chiến Thắng trong ba thời và thông qua các hiện tượng tương thuộc giữa Trời, người và quỷ thần, phù hợp với duyên nghiệp, phước đức cùng các mong nguyện của họ; mùi hương thơm ngát cùng những đám mây khói hương cuồn cuộn lan tỏa vào trong bầu trời từ những loại cây mang phẩm tính bất tử kia. Vì vậy, sự mê muội và những che chướng dầy đặc của Trời, người và quỷ thần được xua tan.
Khi những luồng lửa phóng tỏa, giống như những tia sáng bừng tỏ, thì sự tối tăm dầy dặc do vô minh và mê lầm được xua tan. Sự ô uế, nhơ bẩn và tồi bại bị thiêu hủy bởi những đốm than nóng bỏng đang bốc cháy.
Còn về ba loại cây có phẩm tính tối hảo kia, thông qua năng lực của sự gia trì từ pháp giới tuyệt đối thuần tịnh, thông qua chân lý của Tam Bảo – trụ xứ Quy Y – và thông qua sự thành tựu của các thánh nhân và các bậc trì giữ tánh giác, các loại cây này cung cấp phương tiện cho pháp cúng dường khói hương.”
Như vậy nghi quỹ đã giải thích phẩm tính đặc biệt của ba loại cây bất tử. Một dòng gần cuối ở phần nghi quỹ ở trên có nhắc đến các bậc thánh nhân và các bậc trì giữ tánh giác (trì minh vương). Truyền thống Kinh thừa nói đến các bậc thánh nhân (Rishi); còn truyền thống Mật nói đến các bậc trì minh vương (Vidyadhara). Các bậc thánh nhân là những người đã thực hành thiện hạnh với thân – khẩu – ý xuyên qua nhiều kiếp, và một trong những phẩm hạnh đặc biệt của các Ngài là trong suốt những đời quá khứ đó, họ chưa từng bao giờ nói dối mà luôn luôn chính trực. Họ luôn an trú trong thiền định. Ví dụ đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một vị thánh nhân như vậy. Vì vậy thân các Ngài đã từ bỏ mọi bất thiện hạnh và đã thực hiện các hoạt động làm cho hạnh nguyện trì giới được viên thành. Khẩu các Ngài không bao giờ nói dối mà luôn trung thực và thẳng thắn. Tâm các Ngài luôn tràn đầy tình yêu thương và lòng bi mẫn, hoàn toàn dứt bỏ việc dối lừa. Đây là các vị thánh nhân. Còn theo hệ thống Mật thừa hay Kim Cang Thừa thì chúng ta nói đến năng lực của các bậc trì minh vương (Vidyadhara) – có tất cả bốn cấp độ [trì minh vương].
Đó là theo hai hệ thống Kinh thừa và Mật thừa. Tuy nhiên về cơ bản thì phẩm hạnh của họ như nhau. Các vị thánh nhân và các vị trì minh vương đều có cùng phẩm hạnh là tình yêu thương, và đó cũng là phẩm hạnh của chư Phật trong ba thời. Tất cả chư Phật quá khứ đã trưởng dưỡng tình yêu thương, chư Phật tương lai cũng sẽ trưởng dưỡng tình yêu thương, chư Phật hiện tại đang trưởng dưỡng tình yêu thương. Điểm chung của các vị thánh nhân và các vị trì minh vương là họ luôn quan tâm đến chúng sinh v.v. Vì vậy nội dung của nghi quỹ từ đầu cho đến phần này liên hệ tới năng lực xuất phát từ lòng đại bi của chư Phật. Năng lực của chư Phật chính là tình yêu thương rộng khắp dành cho mọi chúng sinh. Chính vì lẽ đó mà chư Phật đã giác ngộ được chân lý tối hậu và đã đạt đến trạng thái đại hỷ lạc bất biến. Còn chúng sinh thì chưa nhận ra được chân lý tối hậu và vì vậy họ phải chịu đau khổ. Vì thế chư Phật có lòng đại bi dành cho chúng sinh. Thông qua tâm nguyện thấm đượm tình yêu thương của chư Phật mà các vị đã hóa hiện dưới nhiều hình thức trong sáu cõi luân hồi để mang lại lợi ích cho chúng sinh, ví dụ dưới dạng các nguyên tố, hoa lá, nước, cây cối, trái quả v.v. Tất cả những thứ đó không phải do con người tạo ra mà hiện hữu một cách tự nhiên, chúng xuất hiện do bởi tâm nguyện đại bi của chư Phật.