ĐÔNG MẬT & MẬT TÔNG TÂY TẠNG

ĐÔNG MẬT & MẬT TÔNG TÂY TẠNG

Viết bởi: Chân Tâm Ngày đăng: 27/03/2021

ĐÔNG MẬT & MẬT TÔNG TÂY TẠNG

Gần đây có một số đạo hữu bắt đầu tìm hiểu về Kim Cang Thừa và có khá nhiều thắc mắc, nhất là về sự khác biệt giữa Mật Tông Trung Hoa, Nhật Bản (Đông Mật) với Mật Tông Tây Tạng. Nếu hiểu tường tận được sự khác biệt này thì lộ trình tu học của mọi người sẽ thêm phần sáng tỏ và xác thực hơn .

A. Xét về dòng truyền thừa.

1) Mật Tông Trung Quốc và Nhật Bản:

Xét về truyền thừa chung thì vẫn là từ đức Phật Vairocana (Tỳ Lô Giá Na) truyền đến đức Vajrasattva (Kim Cang Tát Đỏa), từ Vajrasattva truyền đến vị thầy vĩ đại Nagajuna (Long Thọ). Sau đó từ Long Thọ truyền đến Long Trí, sau đó Long Trí truyền đến Kim Cang Trí.

Kim Cang Trí cùng với Thiện Vô Úy và Bất Không Kim Cang đem giáo lý Mật Tông vào Trung Quốc. Cùng với sự trợ giúp của Nhất Hạnh phiên dịch các bộ kinh lớn như kinh Đại Nhật, kinh Kim Cang Đảnh…Từ đó là khởi nguồn của Mật Tông Trung Quốc.

Bất Không Kim Cang truyền pháp cho Huệ Quả. Ngài Huệ Quả truyền pháp cho Không Hải. Không Hải chính là vị tổ đầu tiên của Chân Ngôn Tông, Mật Tông Nhật Bản.

2) Mật Tông Tây Tạng, có 2 hệ thống Cựu Dịch và Tân Dịch

Cựu Dịch: tổ là ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sanh). Giáo pháp tối thượng Dzogchen xuất xứ từ đức Phật Pháp Thân Phổ Hiền truyền cho đức Vajrapani (Kim Cang Thủ) sau đến Garab Dorje (Kim Cang Cực Hỷ) . Garab Dorje truyền thừa đến Manjusrimitra (Diệu Đức Hữu). Manjusrimitra truyền cho Sri Simha. Sri Simha truyền cho đức Liên Hoa Sanh và Jnanasutra, Vimalamitra và dại dịch giả Vairostana. Sau này giáo lý Dzogchen được hoằng truyền ở Tây Tạng là do công của đức Liên Hoa Sanh.

Tân Dịch: dòng truyền trực tiếp từ đức Phật nguyên thủy Vajradhara (Kim Cang Trì) đến tổ Tilopa. Tilopa truyền cho Naropa. Naropa truyền lại cho Marpa – Đại Dịch Giả. Từ đó giáo lý quý giá này được đem về Tây Tạng. Sau đó ngài Marpa truyền lại cho đức Milarepa. Từ ngài Milarepa mà thành lập hệ thống Kagyu 4 dòng lớn, 8 dòng nhỏ như hiện giờ.

Còn có tôn giả Atisa, người hình thành dòng phái Kadampa. Dựa trên giáo lý từ dòng Kadampa của tổ Atisa, ngài Je Tsongkhapa thành lập Gelugpa (Hoàng Mạo Phái).

B. Xét về phương diện hành trì

Nói về phương diện hành trì, đại để chúng ta có thể tạm nói Mật Tông Trung Quốc và Nhật Bản thuộc về Ngoại Mật, còn Mật Tông Tây Tạng và Ấn Độ thuộc về Nội Mật. Trước đây, Thiện Duyên đã có một bài viết về 9 thừa của Mật giáo, trong đó đã phân chia rất rõ ràng về ba yoga Ngoại và 3 yoga Nội. Ở bài viết này, Thiện Duyên xin làm rõ hơn một khía cạnh khác của hai loại Nội, Ngoại Mật này.

Xét về cơ bản, những hành giả sơ cơ thường nghe một câu như kiểu khẩu quyết đó là “tam mật tương ưng”. Ở đây, “tam mật tương ưng” là gì? “Tam mật” là gì? “Tương ưng” với cái gì?

Theo quan niệm của Mật giáo, thân người của chúng ta là một loại pháp khí tuyệt hảo nhất trong mọi loại pháp khí. Trong thân người này hàm chứa đầy đủ và toàn vẹn phẩm tánh của lục đạo chúng sinh cũng như chư hiền thánh, nhờ có nó mà chúng ta mới có thể tu tập được các Mật pháp. Có ba thứ mấu chốt để có thể dẫn dắt thân người này đạt đến quả vị toàn giác (tâm kim cang bất hoại – tâm giác ngộ và thân kim cang bất hoại) đó chính là thân, khẩu, ý. Thân khẩu ý này không còn là loại thân khẩu ý phàm phu bình thường nữa. Thân khẩu ý này cũng không thể hiểu được bởi những người bình thường cho nên gọi là Mật, Tam Mật. Tương ưng hay còn có thể hiểu là tương ứng. Tương ứng với những phẩm tính thanh tịnh tuyệt hảo của các Bổn tôn.

Tựu chung lại, thì Ấn là sự tượng trưng cho thân của Bổn Tôn, Thần Chú tượng trưng cho khẩu của Bổn Tôn và Quán Tưởng để thể hiện tâm ý của Bổn Tôn . Ở đây thì đường hướng tu tập đã bắt đầu khác nhau giữa các truyền thống Đông Mật và Mật Tông Tây Tạng. Đây chính là mấu chốt của sự phân biệt Nội Mật và Ngoại Mật.

1) Xét về truyền thống Đông Mật:

Để phàm thân này có thể tương đồng với thân thanh tịnh của Bổn Tôn hành giả Đông Mật bắt ấn cần phải rất chuẩn xác. Sai lệch một chút đã trở thành ấn khác vì vậy mà không thể tương đồng với thân Bổn Tôn đang hành trì.

Việc phát âm thần chú lại rất cần sự chuẩn xác, tương tự cho tiết tấu, giai điệu, tụng âm phát lực như thế nào, ra sao… Âm thanh và rung động cũng cần sự chuẩn xác. Rất nhiều hành giả sẽ không đồng ý điểm này với Thiện Duyên, tuy nhiên nếu thật sự đã từng trải nghiệm qua các bước tu trì đúng theo truyền thống này sẽ biết được sự quan trọng của âm thanh ra sao.

Thông thường ở việc quán tưởng, hành giả Đông Mật thường quán tưởng Bổn Tôn xuất hiện bên ngoài hoặc trước mặt để ban lực gia trì cho mình.

2) Xét về truyền thống Mật Tông Tây Tạng:

Như đã nói ở trên, quan điểm của Mật giáo về thân người là một pháp khí tuyệt hảo nhất để giúp chúng ta tiến đến Phật quả. Mật Tông Tây Tạng còn mở rộng sử dụng thân người này một cách rốt ráo hơn nữa.

Qua việc sử dụng các hệ thống kinh mạch, và sự thấu hiểu sâu sắc về những đàn tràng của chư Phật ngự trị trong thân kết hợp với tri kiến thanh tịnh. Hành giả Mật Tông Tây Tạng sử dụng chúng để hình thành thân của Bổn Tôn. Đây là sự tương đồng nơi Thân.

Cũng dựa trên nền tảng tri kiến thanh tịnh mà ngữ thanh tịnh được hình thành và đó chính là khẩu của Bổn Tôn. Đây là sự tương đồng nơi Khẩu.

Tâm ý thanh tịnh xuất phát từ tri kiến thanh tịnh cũng hoàn toàn thuần tịnh như tâm ý của Bổn Tôn. Đây là sự tương đồng nơi Ý.

Đây chỉ là những kiến thức chung mà Thiện Duyên có thể trình bày ở đây, nếu muốn có những sự thấu hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn về hệ thống kinh mạch, tri kiến thanh tịnh cũng như tâm vi tế… hành giả cần được nhận sự khẩu truyền trực tiếp từ một vị Đạo Sư của một dòng truyền thừa liên tục không gián đoạn.

Qua những điểm trên rõ ràng chúng ta có thể thấy được hành giả Mật Tông Tây Tạng dùng “Nội” Mật khác với các hành giả Đông Mật như thế nào.

Ở đây có một điểm quan trọng nữa mà các hành giả cần lưu tâm đó là quả vị đạt đến của các trường phái nếu đi theo một cách rốt ráo cũng là quả vị Phật đồng nhau không khác. Sự khác biệt ở sức phương tiện của Nội Mật mãnh liệt hơn so với Ngoại Mật. Nhờ vậy mà lộ trình tu học sẽ nhanh hơn so với Ngoại Mật. Đây chính là lý do Kim Cang Thừa nổi tiếng với câu nói “một đời thành Phật” là vậy.

Tâm Ý sưu tầm.

Viết bình luận của bạn:

icon icon icon icon icon icon