CÔNG ĐỨC – PHÚC ĐỨC
TẠI SAO BỒ ĐỀ ĐẠT MA PHỦ ĐỊNH CÔNG ĐỨC CỦA VUA LƯƠNG VŨ ĐẾ?
Cuộc gặp gỡ kinh điển giữa BỒ ĐỀ ĐẠT MA và LƯƠNG VŨ ĐẾ được các ngữ lục ghi lại như sau:
Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp. (Theo lịch sử ghi chép lại thì Vua Lương Vũ Ðế xây cất hằng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai bố thí, cúng dàng, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách nhiều vô số kể.)
Khi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa hoằng pháp khoảng thế kỷ thứ 5, Ngài đến gặp Vua Lương Vũ Ðế. Trong lúc luận bàn đạo lý, nhà vua hỏi:
"Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dàng, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?"
Đạt Ma đáp:
“Chẳng phải CÔNG ĐỨC, đó chỉ là PHÚC ĐỨC thế gian tức nhân hữu lậu tạo quả nhỏ trong vòng nhân, thiên (vẫn còn luân hồi trong các cõi người, trời) như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.
Công đức thật sự đó là trí phải được trong sạch hoàn toàn và thể phải được trống không vắng lặng (phải công phu tu luyện công hạnh) hoàn toàn không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng, cúng dàng) mà cầu được…”
Vua lại hỏi: "Nghĩa tối cao của Thánh đế là gì?"
- "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là Thánh."
- "Ai đang đối diện với trẫm đây?"
- "Tôi không biết."
Đó là những lời khai thị về yếu tính Phật pháp rất rõ ràng, nhưng Lương Vũ Đế không lĩnh hội.
Lương Vũ Ðế sai người tiễn khách. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma băng qua sông Giang Bắc, thẳng đường qua nước Ngụy, lên núi Tung Sơn.
Tương truyền, sau khi ngài Bồ Ðề Ðạt Ma ra đi, Lương Vũ Ðế gặp hòa thượng Chí Công, bèn kể lại câu chuyện.
Hòa thượng Chí Công hỏi:
- Bây giờ bệ hạ đã biết người ấy là ai chưa?
Vũ Ðế đáp:
- Không biết.
Hòa thượng nói:
- Ðó là đại sĩ Quan Âm tới truyền tâm ấn Phật.
Vũ Ðế hối tiếc, sai sứ đi thỉnh, nhưng ngài Bồ Ðề Ðạt Ma không quay trở lại. Sau này hồi tưởng chuyện cũ, Lương Võ Ðế tự soạn văn bia như sau:
“Hỡi ôi!
Thấy như chẳng thấy
Gặp như chẳng gặp
Ðối mặt như chẳng đối mặt
Xưa đâu nay đâu
Oán bấy hận bấy ...”
Thời gian sau đó, có người đem sự việc này thưa hỏi Lục Tổ Huệ Năng và được Lục Tổ dạy như sau: Quả thực là không có CÔNG ĐỨC gì cả. Vua Lương Vũ Ðế vì không biết chính Pháp, nên lầm lẫn hai chữ "Công Ðức" và "Phúc Ðức"!
Nghĩa là cất hàng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai cúng dường, bố thí, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, chỉ là những việc làm "bên ngoài", có ích lợi cho mọi người, những việc làm cầu phúc, nên gọi là PHÚC ĐỨC.
PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC PHÚC ĐỨC
PHÚC ĐỨC
-Phúc đức là những việc làm bên ngoài (từ thiện người tàn tật, già yếu, trẻ mồ côi, người nghèo khổ), giúp đỡ cộng đồng, bảo vệ môi sinh, nhằm trợ duyên giúp giảm thiểu quả báo của bản thân, tránh bớt những oán nghiệp thế gian chứ hoàn toàn không giúp đắc đạo.
-Phúc đức có công năng giúp chúng ta giảm thiểu nghiệp chướng, tiêu trừ quả báo, để được tai qua nạn khỏi, để được may mắn và sung sướng trên đường đời, để bớt chướng ngại trên đường đạo, chứ không giúp chúng ta thoát ly khỏi vòng trầm luân sinh tử.
-Phúc đức có tính "hữu lậu" hay "hữu vi", nghĩa là con người hưởng phúc vẫn còn trong lục đạo luân hồi. Khi thụ hưởng hết phúc rồi thì bị đọa lạc để đền trả quả báo.
CÔNG ĐỨC
Là do ta tự soi chiếu bên trong mình, tự soi chiếu chỉnh sửa lại hành thức bên trong mình, công phu tu thành phẩm hạnh để dần trở về với ĐẠO. Tự tu thân là công, tự tu tâm là đức.
Công đức là công phu tu tập "bên trong", có ích lợi cho chính mình, nhờ hành trì theo lời Phật dạy trong các kinh điển, luôn luôn niệm Phật, giữ gìn giới luật, tu tập thiền định, phát huy trí tuệ bát nhã.
Công đức có năng lực giúp chúng ta vượt qua bể khổ sông mê, chóng đến bờ giác ngộ và giải thoát. Công đức có tính cách "vô lậu" hay "vô vi", nghĩa là không còn trong lục đạo sinh tử luân hồi nữa. Công đức giúp con người chuyển hóa tâm tính từ phàm phu tục tử trở thành Bồ tát, thành Phật.
Chúng ta hãy tinh tiến làm tất cả những việc thiện, rồi quên hết đi, không chấp chặt vào đó, để kể lể công lao, hay mong cầu phúc báo về sau, tâm cầu danh của chúng ta sẽ bớt đi, tâm chấp ngã cũng nhẹ hơn trước, thì những việc làm đó vừa ích lợi cho người và cho mình, vừa tạo nên PHÚC ĐỨC và CÔNG ĐỨC vậy.
(Sưu tầm)