“Tu đúng cách quan trọng hơn chính việc tu.” - Tổ Gampopa.
Hỏi: Con xin hỏi thầy về các trình độ tu chứng đối với người học đạo?
Đáp: Tuần tự có những bước như sau để đạt đến giác ngộ.
Trước hết chúng ta cần phải tiêu trừ tâm chấp ngã, khi đó ta đạt được sự tự chủ đối với tâm của mình. Khi thoát được tâm chấp ngã có nghĩa là tảng nước đá tan chảy. Tảng nước đá chỉ tan khi ta phát triển được tâm từ bi, tình thương yêu đối với mọi loài chúng sinh. Càng phát triển tâm từ bi bao nhiêu thì trí tuệ càng tăng trưởng bấy nhiêu và chấp ngã càng giảm bớt đi.
Ngoài ra còn có những dấu hiệu giúp cho chúng ta biết ta đang đi đúng đường. Ví dụ như khi tâm ô nhiễm vừa phát khởi, như tâm sân hận, ta liền nhận biết được và đoạn trừ được ngay khi nó vừa phát khởi. Đó là dấu hiệu tiến bộ, tăng trưởng định tuệ. Điều đó có nghĩa là công năng tu tập của chúng ta đã phần nào đạt được kết quả.
Những tham, sân, si, mạn, đố, đau khổ xuất hiện là chuyện bình thường và còn xuất hiện nhiều lần nữa. Thay đổi ở đây không phải là chúng không đến nữa mà điều quan trọng chính là khi chúng đến thì tâm ta nhận diện được ngay và chúng biến đi ngay. Đó là dấu hiệu con đang tiến trên con đường dẫn tới Phật quả.
Hỏi: Với Phật tử việc tranh luận có phải là vọng ngữ hay không? Chúng ta nên quan niệm đúng sai như thế nào?
Đáp: Nếu chúng ta có hoài nghi hay thắc mắc gì về Phật pháp thì rất cần phải làm sáng tỏ vấn đề, giải tỏa hoài nghi. Việc tranh luận, nêu ra thắc mắc là rất quan trọng, vì nó có tác dụng loại bỏ sự hoài nghi. Còn khi ở một mình để công phu thì nên giữ tâm tĩnh lặng, không nên suy nghĩ nhiều về những hoài nghi của mình. Để có thể tu tập, cần phải cắt đứt hết tất cả những vọng tưởng và chú tâm vào thiền định. Nếu có thể trò chuyện với những người bạn đạo có nhiều kinh nghiệm hơn để học hỏi thêm và giải tỏa nghi ngờ thì rất tốt, nhưng trong quá trình tranh luận đừng để tâm tham và tâm sân chen vào. Đừng nghĩ rằng truyền thống này tốt còn truyền thống kia xấu.
Hỏi: Con biết việc thực hành hạnh nhẫn nhục, đặt người khác lên trên quyền lợi của bản thân mình là rất khó. Hiện nay con đang sống theo nguyên tắc đạt được bình đẳng giữa các chúng sinh và con chỉ có thể đặt được những người con yêu thương lên trên quyền lợi của bản thân mà thôi. Xin thầy chỉ cho con biết cách nào để con đạt được hạnh nhẫn nhục nói trên?
Đáp: Khi đọc Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo thì không nên hiểu những lời dạy trong đó với nghĩa đen. Phải hiểu đây chỉ là phương pháp để trị sân hận. Nếu không có kẻ thù thì ta không tu hạnh kham nhẫn được. Vì vậy, kẻ thù chính là vị thầy giúp ta tu trì. Không nên ghét bỏ kẻ thù, vì nếu không có kẻ thù thì ta không thực hành được hạnh nhẫn nhục. Phải quán tưởng kẻ thù ở trên đỉnh đầu và quán tưởng người đó là thầy của mình. Đó là một phương diện của vấn đề.
Xét từ góc độ khác, mọi chúng sinh đều có tánh Phật. Có nghĩa là tâm người đó xét về bản chất là tâm Phật nhưng chỉ tạm thời bị che mờ bởi vô minh, ám chướng.
Kẻ thù thật sự không tồn tại. Tự trong tâm ta có sân hận, nhưng ta không biết vì nó tiềm ẩn. Nó tiềm ẩn nhưng vẫn ở đó, chưa tận diệt. Chính nhờ kẻ ấy mà ta biết được tâm mình để sửa. Người giúp mình nhận ra điều đó đáng là vị thầy của mình.
Ngài Jigme Lingpa nói: “Những ma quỷ độc ác nhất là những nhà đại hảo tâm, vì họ giúp tôi đoạn diệt nhiễm ô.” Tương tự, ngài Milarepa lúc đầu do mất hết tài sản về tay người chú mà sinh tâm sân hận. Ngài học huyền thuật để trả thù. Rốt cuộc, nhờ kẻ thù mà ngài quyết chí tu và trở thành bậc Đạo sư chứng ngộ, truyền trao giáo lý cho học trò của Ngài.
Hỏi: Cần hiểu và ứng dụng chủ trương không bè phái trong Kim Cang thừa như thế nào để có thể tu tập cho đúng đắn?
Đáp: Để có thể tu tập tinh thần bình đẳng, không phân biệt đối xử, theo cách nhìn của Kim Cang thừa, ta cần hiểu rằng trong vũ trụ này mọi chúng sinh đều thuần tịnh từ nguyên thủy. Nếu ta nghĩ chỉ có mình và phe phái mình là tốt đẹp, thuần tịnh còn những chúng sinh khác là bất tịnh thì ta không thể tu tập Kim Cang thừa được.
Mọi chúng sinh đều có tánh Phật và thân xác đều do 5 nguyên tố (ngũ đại) hợp thành: đất, nước, lửa, gió, không (địa, thủy, hỏa, phong, không). Xét về bản chất, năm nguyên tố đó có chân tánh của năm vị Phật mẫu. Phiền não hay năm loại xúc tình tiêu cực (tham, sân, si, mạn, đố) về bản chất chính là 5 loại trí tuệ khác nhau hóa hiện mà thành. Đó cũng là bản chất của toàn thể vũ trụ. Hiểu theo cách đó thì mỗi con người là một tiểu vũ trụ bao gồm toàn bộ vũ trụ và tất cả chúng sinh hữu tình. Nếu ta không hiểu rằng bản tánh chân tâm của một con người là thuần tịnh thì không thể trở thành hành giả Mật thừa được.
Thấy được rằng vạn pháp đều là hình tướng hóa hiện (hiển tướng) của Bổn tôn tức là đạt đến giai đoạn viên mãn của Kim Cương thừa. Đức Milarepa có ba điều tuyên thuyết:
- Tôi không nhìn thấy các hiện tượng khác nhau trong cõi Ta-bà mà chỉ nhìn thấy thực tánh của các hiện tượng. (Điều này chứng tỏ ngài Milarepa đã trực chứng rằng tất cả các hiện tượng chỉ là huyễn ảo và tự chúng không thể hiện hữu được).
- Tôi không nhìn thấy tâm thức nhiễm ô của cõi Ta-bà mà chỉ nhìn thấy trí tuệ. (Điều này có nghĩa là nếu ta nhìn vào chân tâm và nhận ra được bản tánh của mình thì ta sẽ thấy được trí tuệ và đó chính là tánh Phật).
- Tôi không nhìn thấy chúng sinh mà chỉ thấy những vị Phật. (Đây chính là điểm chính yếu. Các chúng sinh đều có tánh Phật, đức Phật đã dạy như vậy. Nhiễm ô chỉ là tạm thời và khi tịnh hóa tâm ô nhiễm thì chúng sinh đều sẽ thành Phật.)
Vì bản tính của chúng sinh là thuần tịnh, không sót một ai, nên ta cần phát khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh. Ba điều ngài Milearepa tuyên tuyết không khác gì các vị Phật khác đã tuyên thuyết, rằng tất cả chúng sinh đều là các vị Phật đang thành.
Hỏi: Trong câu 3 và câu 5 của Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo có câu “Nên tránh xa các đối tượng xấu để tránh tam độc gia tăng”, nhưng thiết nghĩ với tâm Bồ-đề nếu ta tránh xa họ thì ta sẽ không thể giúp họ thay đổi những tính xấu đó. Đặc biệt nếu họ là người thân, bạn bè thì ta cần làm như thế nào cho đúng?
Đáp: Các hành giả bắt đầu tu với các căn cơ khác nhau. Nếu là hành giả sơ cơ, ta sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi bạn xấu và đó là lý do ta cần phải tránh ảnh hưởng của họ đối với tâm ý ta.
Nhưng nếu đó là cha mẹ, người thân, bạn bè của ta thì không nên vì lý do đó mà từ bỏ họ. Trong Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo, các đoạn sau có chỉ dạy cách thức để thực hành hạnh nhẫn nhục.
Nếu một người bạn xấu nói với ta rằng anh ta không tin vào nhân quả và câu nói của anh ta tạo cho ta tâm nghi ngờ thì ta phải hiểu xa lìa bạn xấu ở đây có nghĩa là xa lìa tâm xấu ác, đừng để tâm của mình bị người khác ảnh hưởng. Điều này vô cùng quan trọng. Xa lìa ở đây không phải là xa lánh, cô lập họ mà là xa lìa tâm thức tiêu cực nảy sinh dưới tác động tệ hại của người xấu ác, tà kiến. Xa lìa là xa lìa về tâm chứ không phải về thân xác vật lý.
Hỏi: Xin ngài hãy giảng cho chúng con biết nghĩa của câu “Hãy từ bỏ xứ sở chánh quán” thuộc câu kệ thứ 2 trong Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo là gì?
Đáp: Thực ra đó chỉ là ý thứ nhì thuộc câu kệ thứ 2 thôi. Như chúng ta biết, ngài Milarepa đã từ bỏ quê hương hiến dâng cuộc đời cho việc hành trì Phật pháp và thành tựu trong một đời. Còn trong trường hợp của các con, câu kệ trên chỉ có nghĩa là ta phải từ bỏ tất cả những tư tưởng tham luyến, sân hận, đố kỵ mà tu tập tâm Bồ-đề để biết yêu thương cha mẹ anh em và cả những người oán ghét ta, gây chướng ngại cho ta hoặc người mà ta không ưa thích. Nếu chúng ta rời bỏ xứ sở quê hương mà không rời bỏ tâm ô nhiễm thì không được lợi lạc nào cả.
Tại sao lại có người oán ghét ta và thường xuyên gây chướng ngại cho ta? Đó là vì trong tiền kiếp người ấy đã từng là cha mẹ, anh em, bạn bè thân thiết của ta và họ đã đối xử tốt với ta nhưng ta đối xử không tốt với họ. Chính vì cái nhân ấy mà ta nhận quả báo ngày hôm nay.
Ví dụ như khi cho người nào đó mượn một triệu đô-la nhưng sau đó không trả cho ta, ta lập tức nổi giận và kiện họ ra tòa. Việc này dưới con mắt của đạo pháp là gì? Việc bị quỵt tiền chính là nghiệp báo của ta. Khi ta kiện họ ra tòa thì đòi được hay không đòi được cũng là do nghiệp báo chứ không do ở ta. Thế nhưng vấn đề là ở chỗ: tâm sân hận nổi lên vì chuyện này sẽ có thể đưa ta xuống thẳng địa ngục.
Hỏi: Khi ngồi thiền con bị [sinh linh] vô hình quấy phá. Xin ngài chỉ cho con cách giữ mình cho được an lạc và an toàn.
Đáp: Con không được dính mắc vào ý nghĩ rằng thật có “tự ngã” tồn tại. Đó chỉ là do tâm con tạo nên trong khi con ngồi thiền mà thôi. Con phải tự rèn luyện tâm mình hằng ngày rằng bất cứ cái gì ta cảm thấy, nhận thấy thì thực chất đều là hư huyễn, chỉ như một giấc mơ. Trên thực tế không có gì thực sự hiện hữu. Như vậy, điều quan trọng là con không nên tin rằng điều đó là có thật mà phải nghĩ rằng đó chỉ là trò huyễn hóa của tâm.
Hỏi: Thiền định là một trong những phương pháp rất tốt giúp cho con người chuyển tâm hay có được những chứng ngộ về hạnh phúc viên mãn. Có những phương pháp thiền định nào mà cư sĩ nên áp dụng trong cuộc sống? Đặc biệt đối với những người chưa làm quen với thiền, như đối với những người già, làm thế nào để biết được mình thiền đã đúng cách hay chưa?
Đáp: Con phải huân tập trưởng dưỡng tình thương yêu và tâm từ bi. Trước hết con phải quán chiếu đau khổ của hết thảy hữu tình và qua đó tăng trưởng tình thương yêu trước hết là với cha mẹ, thầy cô, với tất cả các bậc thầy, đặc biệt là với các vị đạo sư và cả tình yêu đối với tổ quốc. Khi nghĩ về đau khổ của hữu tình thì hãy quán chiếu rằng trên thực tế tất cả chúng sinh hữu tình đều đã từng là cha mẹ của con trong các kiếp trước và họ đang phải chịu khổ đau mà gốc rễ là tâm chấp ngã. Nhờ đó, con trưởng dưỡng tâm từ bi đối với họ và cầu nguyện rằng họ sẽ đoạn diệt được tâm chấp ngã. Nếu con là nam, con có thể tu pháp Quán Thế Âm, quán tưởng và tụng chú của ngài. Nếu con là nữ, con có thể tu pháp Tara, quán tưởng và tụng chú của ngài. Khi con làm như vậy, con sẽ tịnh hóa được tất cả mê mờ và che chướng của hết thảy chúng sinh hữu tình.
Tóm lại, con phải phát khởi tình thương yêu, tâm từ bi; sau đó, với tâm từ bi hãy nghĩ về Bổn tôn và tụng chú của ngài. Điều quan trọng cần nhớ là những hoạt động của thân và khẩu chỉ là thứ yếu, tâm mới là yếu tố quan trọng nhất. Nếu ta không huân tập tâm của mình thì sẽ gặp phải gặp nhiều đau khổ và chướng duyên. Như vậy, chúng ta phải huân tập tâm mình thì thiền mới có kết quả. Điều đó có nghĩa là tâm phải tự quan sát lấy mình. Con phải tỉnh giác, nhận biết rõ ràng cái gì đang diễn ra trong tâm.
Con phải nhận ra được những xúc tình tiêu cực, những vọng tưởng nổi lên trong tâm. Và nhờ việc (1) nhận biết vọng niệm và duy trì chánh niệm, không để cho vọng tưởng lôi đi, con có thể đoạn diệt xúc tình tiêu cực. Hoặc con có thể trưởng dưỡng (2) tâm từ bi và nhờ đó mà ngũ độc (tham, sân, si, mạn, đố) được tịnh hóa. Hoặc con có thể (3) trì minh chú và quán tưởng Bổn tôn để đoạn diệt phiền não. Đó là những phương pháp nhằm tịnh hóa tâm. Thân và khẩu đóng vai trò thứ yếu, nên để đạt tới giác ngộ viên mãn ta cần phải tịnh hóa tâm. Ta cần phải đoạn diệt được chấp ngã. Phương pháp tốt nhất để diệt tâm chấp ngã là phát triển tình thương yêu và tâm từ bi. Không có gì mang lại lợi lạc lớn lao hơn điều này.
Hỏi: Xin thầy cho chúng con biết ý nghĩa của việc xoay kinh luân của thầy.
Đáp: Việc xoay kinh luân chính là hoạt động có ý nghĩa tích tập công đức cả về thân, khẩu và ý. Bất cứ ai nhìn thấy kinh luân này đều sẽ không bị đọa vào các cõi thấp. Khi chúng ta lìa đời, nếu có kinh luân này bên cạnh thì chúng ta sẽ không bị lang thang trong cõi luân hồi. Bản thân thầy luôn xoay kinh luân trên tay bởi thầy nghĩ đây là công phu tu tập rất tốt cho thân, khẩu, ý của thầy.
Về tâm, muốn xoay được kinh luân tâm ta luôn cần giữ được tỉnh thức và chánh niệm. Thân tích lũy công đức vô lượng nhờ phát triển hạnh kham nhẫn do việc khắc phục khó khăn của việc xoay kinh luân. Về khẩu, hành động này khiến từng câu minh chú của đức Quán Thế Âm phóng tỏa ra xung quanh để cúng dường lên chư Phật và thanh tịnh nghiệp chướng của tất cả chúng sinh. Mỗi vòng xoay như vậy giúp từng chủng tự của minh chú hóa hiện ra trong hình tướng của đức Quán Thế Âm, tỏa ánh sáng và đem lợi lạc đến cho tất cả chúng sinh.
Hỏi: Con đã quy y theo một dòng truyền thừa, vậy con có được phép thọ nhận các pháp của dòng truyền thừa khác không, và nếu được thì con có phải xin phép đạo sư của con để được thọ nhận không?
Đáp: Các con có thể thọ nhận giáo lý, khẩu truyền... của bất cứ vị thầy nào, vì Pháp nói chung chỉ là một. Không có gì sai cả. Tuy nhiên, cần phải ghi nhớ rằng dù thọ nhận pháp hay giáo lý của những vị thầy khác thì ta vẫn phải hành trì liên tục pháp môn mà Bổn sư đã truyền dạy cho mình.
Tâm yếu đường tu - Garchen Rinpoche
Viethanguyen2000 Trả lời
28/03/2021cam on ad, bai viet rât hay va ý nghia. om mani padme hum