CÁC MẬT GIỚI TRONG KIM CƯƠNG THỪA

CÁC MẬT GIỚI TRONG KIM CƯƠNG THỪA

Viết bởi: Chân Tâm Ngày đăng: 02/04/2021



🌻🙏🌻🙏🌻🙏

Kim Cương thừa luôn được coi là truyền thừa bí mật bởi việc thực hành đòi hỏi căn cơ và trình độ nhất định. Thông thường, khi thực hành Kim Cương thừa, chúng ta được xem như đã có những hiểu biết và nền tảng căn bản về Tiểu thừa và Đại thừa. Kim Cương thừa cũng được biết đến như pháp môn Phật giáo tiến đến giác ngộ nhanh nhất và cũng uy lực và bí mật nhất. Chính vì vậy Mật thừa được chư Phật, Bồ tát, Bản tôn Kim cương Hộ pháp và chư Bách thần bảo trì một cách rất cẩn thận. Việc trì giữ Giới luật hay Tam muội da (Samaya) trong cộng đồng Phật Pháp Kim Cương thừa là việc vô cùng quan trọng. Trong Mật điển cũng có dạy khi bạn thực hành Mật thừa mà không trì giới rõ ràng nguy hiểm, vì bạn đã sử dụng Mật pháp một cách sai lệch, để tăng trưởng tham sân si và bản ngã. Đây là lí do tại sao giới nguyện Tam muội da là rất cần thiết để giúp chúng ta tịnh hóa thân tâm và đem lại lợi ích cho mọi người

Có hai mươi bốn giới nguyện chung trong Kim Cương Thừa của Ngũ Trí Như Lai. Ðó là những lời nguyện từ bỏ mười bốn mật giới chính và mười mật giới phụ.

🌼 14 Mật Giới Chính (Sa Ngã Chính)

1. Không tôn kính hoặc phê bình vị thầy của mình.
2. Xao lãng với giáo lý của đức Phật.
3. Do sân hận, phê bình bạn đồng môn.
4. Không có lòng từ bi với người.
5. Bỏ Bồ Đề Tâm nguyện hoặc Bồ Đề Tâm thực hành.
6. Phê bình giáo pháp.
7. Tiết lộ bí mật cho người chưa đủ điều kiện.
8. Coi thường hay phê bình thân thể mình.
9. Không tin tính Không.
10. Kết bạn với kẻ xấu.
11. Không quán niệm tính Không.
12. Phá huỷ niềm tin của ngươì khác.
13. Không giữ giới nguyện.
14. Phê bình phụ nữ.
--
1. Không tôn kính hay phê bình vị thầy của mình:

Không tôn kính vị Kim Cương Sư đã truyền pháp và dạy mình là khi hành giả nghĩ rằng vị thầy có lỗi, thí dụ như những lỗi về tham, sân hay si. Phê bình là trực tiếp nghĩ hay nói những điều như: “Khi dạy giáo lý, ông ấy chỉ quan tâm tới những đệ tử giàu”, hay “Ông ấy chỉ nghĩ đến tiền bạc”, hoặc “Ông ấy không dạy cho mình", và những lời phê bình khác. Nói bóng gió về những điều như vậy cũng thuộc loại sa ngã này. Không tôn kính hay phê bình vị thầy của mình là vi phạm giới nguyện
này.

2. Xao lãng với giáo lý của đức Phật:
Nếu hành giả vô tâm không thực hiện những lời dạy và những giới cấm mà Đức Phật đề ra thì như vậy hành giả vi phạm giới nguyện này.

3. Do sân hận, phê bình bạn đồng môn:
Bạn đồng môn là những người theo học cùng thầy với mình. Nếu do sân hận hay không hiểu biết mà phê bình họ thì vi phạm giới nguyện này.
Còn nếu do lòng từ bi mà nói lỗi của bạn thì không vi phạm giới nguyện. Tốt nhất nên tâm nguyện rằng mọi ý kiến phê phán của mình chưa hẳn là đúng sự thật.

4. Không có lòng từ bi với người:
Hành giả phải luôn luôn có lòng từ ái, khoan dung với mọi người. Nếu có kẻ xấu ác giết cha, mẹ của mình, phá huỷ nhà cửa, tài sản của mình, và nếu nghĩ rằng "Ta căm giận người này" thì như vậy là vi phạm giới nguyện. Còn như biết người đó là xấu nhưng vẫn có lòng từ bi với y thì hành giả có thể khuyên can hay ngăn cản người đó mà không vi phạm giới nguyện.

5. Bỏ Bồ Đề Tâm nguyện hoặc Bồ Đề Tâm thực hành.
Khi đã phát Bồ Đề Tâm mà từ bỏ hay không thực hành thì vi phạm giới nguyện này. Ví dụ, nếu bị người xấu làm hại mà nghĩ: “Làm sao mình có thể giúp đỡ chúng sinh nếu họ giống người này. Từ nay mình không thực hành Bồ Đề Tâm nữa” thì như vậy là vi phạm giới nguyện này.

6. Phê bình giáo pháp:
Nếu do hiểu lầm mà phê bình giáo lý kinh điển Mật giáo hay Hiển giáo thì vi phạm giới nguyện này.

7. Tiết lộ bí mật cho người chưa đủ điều kiện:
Những giáo lý bí mật của Kim Cương Thừa chỉ dành cho những người đã được làm lễ truyền pháp. Nghi thức truyền pháp làm cho dòng tâm thức của đệ tử trở nên chín chắn.
Tiết lộ bí mật của Kim Cương Thừa cho những người chưa được truyền pháp sẽ làm cho họ phát sinh tà kiến, và như vậy là vi phạm giới nguyện này.

8. Coi thường hay phê bình thân thể của mình:
Nếu coi thân thể của mình là không trong sạch và có khuyết điểm thì cũng không thể coi thân thể của mình là một vị thần, và như vậy là vi phạm giới nguyện này.

9. Không tin tính Không:
Nếu hành giả không còn tin tính Không nữa thì là vi phạm giới nguyện này. Ví dụ như có ý nghĩ: “Nếu một vật nào không có tự tính thì vật đó không hiện hữu. Nhưng vạn vật vẫn có sự hiện hữu đấy thôi. Vậy, mình không tin vào thuyết tính Không nữa".

10. Kết bạn với người xấu:
Người xấu là người trực tiếp hay gián tiếp làm hại hay nói xấu người khác. Giới nguyện này không trái ngược với giới nguyện thứ tư, có lòng từ bi với tất cả mọi người. Giới nguyện này hàm ý tránh lập quan hệ riêng tư với người xấu, chịu ảnh hưởng của người xấu trong khi vẫn có lòng từ bi với họ. Ví dụ hành giả nghĩ: “Người xấu này cũng muốn có hạnh phúc và không muốn đau khổ, nhưng vì không hiểu biết nên đã làm hại người khác".

11. Không quán niệm thuyết tính Không:
Nếu không suy ngẫm về tính Không ít nhất một lần mỗi ngày thì
là vi phạm giới nguyện này. Thí dụ mỗi ngày hành giả ít nhất cũng nên nghĩ: “Vạn vật không có tự tính hay tự ngã vì chúng do nhân duyên sinh ra".

12. Phá huỷ niềm tin của người khác:
Nếu phá huỷ niềm tin vào Kim Cương Thừa của người khác thì là vi phạm giới nguyện này. Ví dụ, như nói với người tin Kim Cương Thừa rằng: “Mật Ðiển Thừa quá khó, vì có quá nhiều pháp thần linh quán. Chỉ nên theo Kinh Ðiển Thừa". Như vậy là vi phạm giới nguyện.

13. Không giữ giới nguyện:
Nếu không thực hành Giới nguyện giải thoát cá nhân, Bồ Đề Tâm, hay Mật nguyện của mình thì là vi phạm giới nguyện này.

14. Phê bình phụ nữ:
Nếu phê bình, huỷ báng, hay nói xấu nữ giới, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng là vi phạm giới nguyện này.



🌼 10 Mật Giới Phụ (Sa Ngã Phụ)

1. Dựa vào một người phối ngẫu (consort) không có đủ điều kiện.
2. Thực hành pháp hợp nhất không có ba điều kiện phân biện.
3. Cho người không thích hợp thấy những pháp khí.
4. Ðánh nhau hay cãi vã trong lễ cúng "Tsog".
5. Trả lời qua loa đối với những câu hỏi thành thật.
6. Trú ngụ tại nhà của một Thanh Văn quá bảy ngày.
7. Do kiêu ngạo, tự xưng mình là một đại hành giả.
8. Nói giáo pháp cho người không có tín tâm.
9. Làm các hoạt động mạn đà la khi chưa hoàn thành việc nhập thất luyện Pháp.
10. Vi phạm giới nguyện giải thoát cá nhân trong giới nguyện Bồ Tát.

1. Dựa vào một người phối ngẫu không có đủ điều kiện:
Người phối ngẫu phải có ba điều kiện sau :
* Ðã được làm lễ truyền pháp.
* Tâm thức đã chín muồi.
* Liên tục thực hành mật pháp
Dựa vào một người phối ngẫu không hội đủ ba diều kiện trên là vi phạm giới nguyện.

2. Thực hành pháp hợp nhất (Du Già) mà không có ba điều kiện sau. Ðó là:
* Coi thân mình là Bản tôn.
* Coi khẩu của mình là Thần chú.
* Coi ý của mình là Pháp thân.

3. Cho người không thích hợp thấy những vật bí mật (pháp khí)
Những vật bí mật là những pháp khí như bình cam lộ, chén sọ, chuông, chày kim cương, trống damaru, mạn-đà-la và những vật khác. Người không thích hợp là người không có niềm tin vào Kim Cương Thừa hay người chưa được truyền pháp. Ðể cho một người như vậy trông thấy các pháp khí là phạm vào lỗi sa ngã này.

4. Ðánh nhau hay kình cãi trong lễ cúng "Tsog":
Trong lễ cúng “Tsog” đều có sự hiện diện cả hai phái, nam và nữ. Nếu đánh nhau hay cãi vã, kình cự nhau trong lễ cúng thì phạm lỗi sa ngã phụ này.

5. Trả lời qua loa đối với những câu hỏi thành thật:
Khi có người tỏ lòng tôn kính, tin tưởng và thành tâm hỏi mình, nhưng do keo kiệt hay ghét bỏ mà hành giả trả lời qua loa hoặc giả dối thì như vậy phạm sa ngã phụ này.

6. Trú ngụ ở nhà một Thanh Văn quá bảy ngày:
Các Thanh Văn thường cực lực phản bác Ðại Thừa và Kim Cương Thừa. Nếu hành giả biết rõ một người là Thanh Văn Thừa mà trú ngụ lâu hơn bảy ngày ở nhà của người đó thì vi phạm sa ngã này, vì người đó tất nhiên sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp phê bình Kim Cương Thừa. Trừ trường hợp cần thiết, hành giả có thể lưu trú ở đó lâu hơn bảy ngày. Thí dụ như để cứu người đó thoát nguy hiểm hay để giải quyết một vụ tranh chấp lớn trong cộng đồng của người đó.

7. Do kiêu ngạo tự xưng mình là một đại hành giả:
Nếu chưa thành tựu các pháp Mật Giáo mà lại nói dối rằng mình là một đại hành giả thì phạm sa ngã này. Dù đã chứng đắc hay chưa chứng đắc, cũng không nên tự xưng là thành tựu giả.

8. Nói giáo pháp cho người không có tín tâm:
Nếu hành giả dạy giáo pháp cho người không có tín tâm hoặc không muốn học thì phạm sa ngã này. Chỉ nên dạy giáo pháp cho người thành tâm thỉnh cầu.

9. Làm các hoạt động mạn đà la khi chưa hoàn thành việc nhập thất luyện pháp.
Nếu làm các hoạt động mạn đà la như ban lễ truyền pháp, tự làm lễ truyền pháp cho mình, hay các điều liên quan mà chưa hoàn thành việc nhập thất luyện pháp thì phạm sa ngã này.

10. Vi phạm Giới nguyện giải thoát cá nhân hay Giới nguyện Bồ Tát: Ví dụ, nếu một tu sĩ làm lễ "hoả pháp Puja" Mật Giáo mà lại không thực hành giới nguyện Hiển Thừa là phải quán tưởng Ðức Phật để thỉnh cầu ngài cho phép trước khi chạm vào lửa, và nghĩ rằng: “Mình là một đại hành giả. Không cần phải làm theo giáo lý kinh điển của Ðức Phật", thì như vậy vi phạm giới nguyện này.

---

Tâm Đăng tổng hợp từ “Tinh Yếu Về Các Pháp Tu Tập” của đạo sư Tịch Thiên (Shantideva) và quyển “Giáo Lý Về Ba Giới Nguyện” của Đại Đức Tsewang Samdrup.- hoàn thành ngày 15/4 nhuận Canh Tí

Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát 🙏🙏🙏

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát 🙏🙏🙏 

 

Viết bình luận của bạn:

icon icon icon icon icon icon