7 THÓI QUEN RÈN LUYỆN BỒ ĐỀ TÂM HÀNG NGÀY
1. Khi tỉnh dậy: Tưởng tượng Đạo sư (hay Đức Phật) vừa đánh thức mình, cảm thấy biết ơn Ngài vì rất có thể ta đã không tỉnh dậy để có điều kiện tu tập mà đã chết theo qui luật vô thường. Hãy nghĩ đến các khó khăn, vấn đề trong cuộc sống hay những mục đích thế gian ta đang hướng tới và tự nhủ việc cố gắng bám víu lấy chúng rồi cũng vô ích, chúng và cả chính ta cũng sẽ ra đi. “Sức mạnh của vô thường sẽ kết liễu cuộc đời tôi, tất cả tài sản, gia đình tôi đang có rồi sẽ mất đi. Vì vậy, với một tâm dứt khoát, tôi hành động theo các giới luật, thực hành theo Pháp và thâm nhập Bồ đề tâm vì lợi ích của tất cả chúng sinh.”
Hãy nghĩ Đạo sư đánh thức mình dậy để nhắc mình giữ các thực hành Bồ đề tâm trong ngày để lợi ích cho mọi người. Hứa giữ thực hành với Đạo sư và cầu khẩn Ngài ban phước để ta có thể nhận ra các bài học tâm linh cụ thể trong ngày. Ví dụ lúc này ta đang học và muốn nhận ra khổ-vô thường-vô ngã thì đọc “cầu Đạo sư cho con gặp những duyên lành để chứng nghiệm về khổ, vô thường, vô ngã trong ngày”, hay đang muốn nhận ra tính Không “cầu Đạo sư ban phước để con có cái thấy đúng về tính Không và gặp những duyên lành để có những trải nghiệm về tính Không trong các mối quan hệ và công việc hôm nay”…
2. Trong các hoạt động hàng ngày: Ngồi dậy, đi bộ, đánh răng, mở cửa, rửa mặt, đi xe, họp hành… bất cứ khi nào nhớ ra đều cầu cho các chúng sinh cũng được thức tỉnh khỏi vô minh, được giải thoát, giác ngộ. Ví dụ: Khi mở cửa phòng vệ sinh cầu chúng sinh mở được cánh cửa tới giải thoát, khi đóng cửa phòng vệ sinh cầu chúng sinh đóng cánh cửa xuống ba cõi thấp, khi rửa mặt cầu chúng sinh luôn minh mẫn tỉnh táo, khi đi vệ sinh cầu chúng sinh thải được tam độc tham sân si, khi ăn cầu chúng sinh thoát khỏi đói khát được no đủ như ta, khi quét nhà nguyện quét sạch ô nhiễm trong ta cùng chúng sinh, đọc sách cầu cho chúng sinh đều có trí tuệ, khi nghe một bản nhạc hay thì cầu mong chúng sinh cũng được bình an thoải mái như mình v.v… Hãy làm điều này một cách sáng tạo, đây là một cách thiện xảo giữ tâm thức luôn hướng đến giác ngộ và giác ngộ cho người khác.
Một ví dụ khi ăn: Trước khi ăn tự đọc thầm “Con xin cúng dường tất cả các thức ăn này hóa thành vô số thức ăn ngon lành dâng lên chư Phật chư Bồ Tát và chư Hộ pháp. Xin chia sẻ với toàn thể chúng sinh để họ được no đủ. Con xin hồi hướng mọi công đức con đã tích tập được cho sự hạnh phúc và giác ngộ của con cùng những chúng sinh đã góp phần tạo nên bữa ăn này ( nghĩa là những con vật đã hi sinh cho bữa ăn của bạn, những người trồng trọt, mua bán, vận chuyển, nấu nướng phục vụ bạn… hãy cảm thấy biết ơn và hồi hướng cho họ). Con xin cúng dường tất cả cảm giác ngon lành mình sắp được nhận lên đức Phật ( hoặc vị đạo sư của mình).” Rồi ăn bình thường.
3. Thực hành nhìn mọi người như cha mẹ của ta và giữ sự tử tế cùng trách nhiệm với họ trong tâm: Khi gặp bất cứ ai nhớ rằng người đó là cha mẹ ta từ vô thủy kiếp, họ đã từng vô cùng tử tế, đã hi sinh để nuôi nấng ta. Hiện giờ họ vẫn còn lăn lộn trong đau khổ của luân hồi sinh tử và ta phải có trách nhiệm giải thoát, giác ngộ chọ họ. Khi nhìn thấy họ nghĩ thầm “Người này đã từng là cha mẹ ta trong một đời trước”, và chúc thầm “Cầu chư Phật ban phước để ba (mẹ) con là người này được khỏe mạnh, giàu có, sung sướng và gặp những duyên lành sớm dẫn tới giác ngộ và giải thoát”.
Hãy giữ sự tử tế của cha mẹ và lòng biết ơn của mình trong tâm và chúc lành hoặc giúp đỡ khi có cơ hội. Đầu tiên áp dụng cho người thân và những người tử tế với mình. Sau đó mở rộng ra tới những người không quen biết, ví dụ khi đi chung trong cầu thang máy, gặp ở bãi đỗ xe… Sau đó mở rộng tới cả những người từng làm hại mình, vì họ cũng đang đau khổ. Nhớ đến nỗi khổ của cha mẹ và trách nhiệm của mình để có động lực tu tập giác ngộ giải thoát cho mọi chúng sinh.
4. Đọc thần chú bằng hơi thở và nghĩ đến nỗi khổ của người khác: Trong mọi hoạt động hàng ngày, khi hít vào đọc thầm Ôm ma ni, thở ra đọc thầm Pê mê Hung, đây là thần chú của đức đại bi Quán Thế Âm, có công dụng rất rộng lớn giải trừ đau khổ cho chúng sinh trong sáu cõi. Khi đọc như vậy hãy nghĩ đến khổ đau của những người khác và mong muốn giúp họ thoát khổ và đạt giác ngộ.
Bình thường chúng ta chỉ nghĩ đến mình suốt từ sáng đến tối, nghĩ đến hình ảnh của tôi trong mắt người khác, tôi sẽ được gì mất gì trong một câu chuyện… Ta sẽ tức giận với mọi người khi có gì không vừa ý ta, sẽ lo lắng khi có gì tổn hại đến ta… Ta quên mất rằng chính việc quá lo toan cho tôi này chính là nguyên nhân dẫn đến mọi loại đau khổ, và người khác cũng đang đau khổ khi họ tranh đấu với ta. Tập thần chú bằng hơi thở là một phương pháp khéo léo để biến việc quan tâm đến nỗi khổ của người khác thành một thói quen. Nghĩ đến nỗi khổ người khác sẽ tạo ra cho chúng ta tinh thần thông cảm với mọi người xung quanh, kể cả người chống phá ta vì ta thấy họ cũng đang đau khổ. Nó cũng làm giảm ngã chấp và giảm những chướng ngại bên trong chúng ta như tức giận, ích kỷ, ghen tỵ… Đồng thời việc đọc thần chú Om mani pê mê hung để cứu khổ cho người khác cũng giúp tích lũy công đức, một phần không thể thiếu trong hai loại tích tập trên con đường giác ngộ.
5. Thực hành Cho và Nhận (Tông-len): Gặp bất cứ ai đau khổ hãy tưởng tượng ta hít vào làn khói đen từ trái tim họ, tượng trưng cho mọi đau khổ, nghiệp xấu, bệnh tật… của họ. Cố gắng cảm thấy đau đớn giống như họ. Sau đó tưởng tượng ta thở ra một làn ánh sáng đỏ từ tim ta đi qua mũi ta rồi đi vào tim họ, chuyển cho họ mọi nghiệp tốt, sức khỏe, hạnh phúc của ta. Trong lúc làm như vậy cầu nguyện mọi nghiệp xấu của người xày nảy ra trên thân tôi, mọi nghiệp tốt của tôi nở ra trên thân người này.
Khi ở chỗ đông người, như đi xem phim, ca nhạc, họp hành… hãy tưởng tượng các làn khói đen từ khắp mọi người được ta hít vào qua lỗ mũi và đi vào tim ta, khi ta thở ra vô số làn ánh sáng đỏ đi vào tim chúng sinh và làm họ sung sướng, khỏe mạnh, hạnh phúc.
Khi biết đến ai bị khổ ( ví dụ anh của bạn kể hôm nay đi đường nhìn thấy một cụ già trông tội nghiệp, hay bạn của bạn kể rằng chú họ cô ấy bị ốm, hay đọc trên mạng một trường hợp khó khăn…) ta liền thực hành Tong-len ngay với người đó. Hành động hoán chuyển ngã tha này giúp cái tâm thường xuyên đặt mình lên trước người khác giảm đi, tâm vì người khác trước mình lớn lên, đây là một phương pháp làm giảm ngã chấp rất hiệu quả.
6.Tiêu diệt bám chấp và suy ngẫm về tính Không: Đồng thời, trong các hoạt động hàng ngày, sau khi hướng tâm đến việc cầu giác ngộ cho chúng sinh, và sau mỗi hoạt động như Tong-len, tự nhắc ta không bám chấp vào tất cả những hành động tốt về thân, khẩu, ý của mình.”Tất cả hành động tốt của tôi nên tự nhiên và tự phát, vì bản tính tự nhiên của tôi vốn đã tự tốt đẹp. Tôi không làm điều tốt một cách có chủ ý. Tôi làm điều tốt và sau đó liền quên chúng đi.” Điều này giảm bám chấp vào các hành động ta đã làm.
Tự nhắc rằng các đối tượng ta đang tiếp xúc, các hoạt động ta đang làm, và ngay cả chính ta đều không có bất kỳ bản chất nào ( trong sự thật tuyệt đối thì cái bàn này không bản chất cứng, mềm, việc tong-len bản chất không tốt, xấu, không công đức, người kia không có bản chất khổ hay sướng…), không điều gì có một sự tồn tại độc lập, tự nó nào ( cái tôi không có thật, cái bàn không có thật, người kia không có thật…) mà chỉ có các ấn tượng xuất hiện rồi biến mất, trống rỗng không tự tính. Huyễn ảo như một giấc mộng. Có thể tự nói “Tất cả chỉ là một giấc mơ, mọi thứ kể cả chính tôi đều vốn trống rỗng, không có thật”. Hành động này giúp tiêu diệt tận gốc bám chấp, tiêu diệt các ảo tưởng, nhớ rõ về tính Không và tích lũy Trí tuệ, một trong hai tích lũy không thể thiếu để giác ngộ.
7. Sám hối và hồi hướng công đức trước khi đi ngủ: Trước khi ngủ nên sám hối những lỗi lầm của ta trong ngày (kể cả không nhận ra lỗi lầm cũng nên sám hối vì với tâm thức còn vô minh có nhiều lỗi lầm mà ta không ý thức được), nếu thấy trong lòng có lỗi với ai thì thầm xin lỗi người đó (cho dù thấy họ có thể cũng có lỗi gấp 1000 lần so với ta).
Sau đó xin hồi hướng công đức của tất cả những việc tốt ta đã làm được cho sự giải thoát và giác ngộ của chúng sinh, trong đó có những người cụ thể ta quan tâm tới (như bố mẹ, bạn bè và đặc biệt là những người thù ghét ta…) để họ gặp được những duyên lành dẫn tới giác ngộ và giải thoát: ” Con xin hồi hướng tất cả công đức đã tích tập được trong ngày hôm nay, trong cuộc đời này, vô số đời quá khứ và tương lai cho sự hạnh phúc và giác ngộ của con cùng tất cả chúng sinh, trong đó có những người sau (liệt kê tên và năm sinh…) để họ hết mọi bệnh tật, luôn được khỏe mạnh, giàu có, hạnh phúc và mau chóng gặp những duyên lành dẫn đến giác ngộ. “
*
Khi mới bắt đầu có thể còn hay quên, nhưng với ý thức và sự khéo léo tận dụng thời gian rảnh rỗi và những khoảng trống giữa các lúc bận rộn, sau 2 đến 6 tháng ta có thể làm 7 hành động kể trên như một thói quen. Càng thực hiện nhiều hành động như vậy, tâm chấp ngã của ta sẽ bị dẹp trừ dần, tâm vị tha ngày một tăng trưởng, ta bắt đầu cảm nhận được sự thoáng đạt, thoải mái của tinh thần, một niềm vui nội tại không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài.
Mọi hành động đều bắt nguồn từ tâm, khi tâm ta đã trở nên khoáng đạt, vị tha thì hành động của ta trở nên sáng suốt và có ích cho người khác, tùy vào khả năng của mình. Vì vậy thay vì chỉ tập cách làm thế nào để giúp người khác như đi quyên góp, làm từ thiện… ta nên tập từ gốc, tức là làm khởi nên tâm chân thành muốn giúp người khác và giúp người khác một cách không bám chấp, giúp trong trí tuệ.
Đồng thời, khi thực hành 7 hành động này, thói quen hoạt động liên tục vô ý thức của tâm sẽ được làm cho bình lặng và tâm hướng ngày càng nhiều đến sự giác ngộ và giải thoát cho tất cả chúng sinh. Kết quả của nó là ta có thể đặt tâm này lên đầu tiên trong mọi suy nghĩ và công việc hàng ngày. Với một tâm như vậy ta mới có khả năng dành thời gian và đạt kết quả trong thiền định – phương pháp thiền Phật giáo để trực tiếp chứng ngộ sự thật tối hậu. Thiếu một tâm như vậy dù dành nhiều thời gian thiền định theo đủ các phương pháp thiền thì kết quả cũng rất hạn hẹp.
7 THÓI QUEN RÈN LUYỆN BỒ ĐỀ TÂM HÀNG NGÀY
Viết bởi: Chân Tâm
Ngày đăng: 06/04/2021
Các tin khác
- DƯỢC SƯ CĂN BẢN NGHI QUỸ PHÁP TU TRÌ GIẢN LƯỢC 31/07/2021
- GIỚI THIỆU VÀ HƯỚNG DẪN NGHI QUỸ TU TRÌ GIẢN LƯỢC ĐỨC QUAN ÂM TỨ THỦ 31/07/2021
- GIỚI THIỆU VÀ NGHI QUỸ TU TRÌ LỤC ĐỘ PHẬT MẪU TARA - ĐỨC TARA XANH - GREEN TARA 31/07/2021
- ĐỨC PHẬT GIẢI ĐÁP VỀ SỰ CÚNG THÍ TỔ TIÊN VÀ NGẠ QUỶ 08/07/2021
- 9 CÔNG NĂNG CỦA THẦN CHÚ OM AH HUNG 08/07/2021
- KHI HÀNH TRÌ NGHI QUỸ, CHỈ TỤNG BẰNG TIẾNG VIỆT VÀ KHÔNG TỤNG BẰNG TIẾNG KHÁC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? 08/07/2021
- PHÁP SÁM HỐI DIỆT ĐỊNH NGHIỆP CHÂN NGÔN CỦA NGÀI ĐỊA TẠNG 08/07/2021