21 CÁCH BIẾN HÓA CỦA LUẬT NHÂN QUẢ

21 CÁCH BIẾN HÓA CỦA LUẬT NHÂN QUẢ

Viết bởi: Chân Tâm Ngày đăng: 06/04/2021

21 cách BIẾN HÓA của LUẬT NHÂN QUẢ

(Trích An Sĩ toàn thư _ Tác giả :Chu An Sĩ )

Nhân quả sâu xa khó biết, khó hiểu, nhưng lại là quy luật quan trọng nhất, chi phối toàn bộ cuộc sống của mọi người, mọi chúng sinh, vì vậy, sự hiểu biết về nhân quả là điều đáng phải học nhất trong cuộc đời mỗi người . Không đơn giản như mọi người nghĩ ” Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, ,mà luật nhân quả có sự biến hóa hết sức ảo diệu và tinh tế.

Bài viết dưới đây của ngài Chu An Sĩ, dù chỉ là một phần nhỏ trong vô số cách thiên biến của Nghiệp quả, nhưng sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu thêm sự biến hóa của luật nhân quả – vừa công bằng vừa hết sức linh hoạt.
__________________

1 *CÓ QUẢ BÁO TỐT ĐẸP NHƯNG KHÔNG THỂ THỤ HƯỞNG

Một số người tuy có lụa là gấm vóc chất đầy trong rương, nhưng trên thân thể chẳng qua chỉ khoác lên đôi ba mảnh vải thô xấu, có vàng ngọc châu báu chứa đầy trong tủ, nhưng miếng ăn hằng ngày chẳng qua cũng chỉ dùng những món hơn kẻ bần hàn đôi chút, cho rằng như thế là an nhàn; lại ưa thích những việc làm lụng cực nhọc, cho đó là thích thú, khoái lạc.
Những người như thế, chỉ thấy họ suốt ngày ưu tư phiền muộn, rõ ràng có được phước báo tốt đẹp nhưng không thể hưởng dụng như người khác.
Đó là do đời trước tuy làm việc bố thí nhưng không phát tâm chí thành, hoan hỷ, chỉ do có người khuyến khích, khuyên bảo nên mới miễn cưỡng mà bố thí. Hoặc lí do khác là sau khi bố thí lại sinh tâm tiếc nuối, hối tiếc việc đã làm.

2 *ĐƯỢC THỤ HƯỞNG NHƯNG KHÔNG CÓ QUẢ BÁO TỐT ĐẸP

Có những người gia cảnh bần hàn, nhưng lại thường được sống trong nhà cao cửa rộng của người khác; bữa ăn ở nhà mình thì canh rau qua bữa, nhưng lại thường được dùng những món sơn hào hải vị do người khác chiêu đãi.

Người như thế tuy được hưởng thụ nhưng không gọi là có phước báo. Đó là do đời trước không tự mình làm việc bố thí, chỉ biết khuyên bảo, khuyến khích người khác làm việc phước thiện; hoặc do khi nhìn thấy người khác làm việc bố thí liền sinh tâm hoan hỷ, ngợi khen tán thán.

3 *TRƯỚC GIÀU SAU NGHÈO

Kinh Nghiệp báo sai biệt dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước nghe theo lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí, sau lại sinh tâm hối tiếc; do nhân duyên như thế, người ấy đời sau sẽ được giàu có một thời gian, nhưng sau đó lại phải chịu cảnh bần hàn.”

4 *TRƯỚC NGHÈO SAU GIÀU

Kinh cũng dạy rằng: “Lại nữa, nếu có chúng sinh nào, do nghe lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí nhỏ nhoi, nhưng sau khi bố thí rồi sinh tâm hoan hỷ. Người ấy đời sau sinh ra làm người, trước chịu nghèo khổ nhưng sau được giàu có.”

5 *GIÀU CÓ NHƯNG PHẢI LAO NHỌC

Giàu có là nhờ gieo nhân giàu có; nhưng phải lao lực khổ nhọc cũng là do gieo nhân lao khổ. Như trong kinh dạy rằng: “Người cúng dường trai tăng ắt sẽ được giàu có vô hạn, ấy là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, nếu có người thỉnh chư tăng đến nhà mình để cúng dường, khiến cho chư tăng phải nhọc sức đi lại vất vả, rồi sau mới dâng cúng thức ăn, người ấy đời sau tuy vẫn được giàu có vô hạn, nhưng lại phải lao nhọc cần khổ.”

6 *NHÀN HẠ MÀ ĐƯỢC GIÀU CÓ

Nếu người phát tâm cúng dường chư tăng, mang thức ăn đến tận am viện, chùa chiền, khiến cho chúng tăng có thể an nhàn thọ dụng, người ấy sẽ được phước báo đời sau sinh ra trong hai cõi trời người, tự nhiên được thụ hưởng mọi điều khoái lạc.

7 *NGHÈO KHỔ NHƯNG CÓ THỂ BỐ THÍ

Kinh văn cũng dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước đây từng làm việc bố thí nhưng không gặp được những bậc là ruộng phước của thế gian, mãi lưu chuyển trong luân hồi sinh tử.
Những chúng sinh ấy khi được sinh ra làm người, do không được gặp bậc phước điền nên việc bố thí chỉ mang lại phước báo rất nhỏ nhoi, thoạt có thoạt không chẳng lâu bền. Tuy nhiên, do đã từng tu tập quen theo hạnh bố thí, nên khi sinh ra dù sống trong cảnh nghèo khó vẫn thường có thể làm việc bố thí.”

8 *GIÀU CÓ NHƯNG KHÔNG BỐ THÍ

“Lại có những chúng sinh vốn không thường làm việc bố thí, nhân gặp bậc thiện tri thức khuyên bảo nên nhất thời cũng bố thí được một lần, may mắn lại gặp được bậc phước điền đức cao đạo trọng.
Nhờ công đức cúng dường bậc phước điền cao trọng, nên đời sau sinh ra được giàu có sung túc. Tuy nhiên, bởi không tập quen hạnh bố thí, nên dù sống trong cảnh giàu sang mà tâm thường keo lận, không làm việc bố thí.”

9 *BỐ THÍ NHIỀU, ĐƯỢC PHƯỚC ÍT

Kinh Bồ Tát bản hạnh dạy rằng: “Nếu có chúng sinh làm việc bố thí nhưng không hết lòng, hoặc cúng dường mà không có lòng cung kính; hoặc khi bố thí, cúng dường mà tâm không hoan hỷ; hoặc khi bố thí lại khởi tâm kiêu mạn, tự cao tự đại; hoặc bố thí cúng dường cho những kẻ theo tà kiến điên đảo.

Bố thí cúng dường như thế cũng giống như người gặp phải mảnh ruộng cằn cỗi bạc màu, tuy gieo giống xuống rất nhiều mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu.”

10 *BỐ THÍ ÍT, ĐƯỢC PHƯỚC NHIỀU

Trong kinh này lại cũng dạy rằng: “Nếu vào lúc thực hành bố thí có thể khởi tâm hoan hỷ, tâm cung kính, tâm thanh tịnh, chẳng mong cầu được phước báo, hoặc được cúng dường cho các bậc Bồ Tát, thánh tăng.
Bố thí cúng dường được như thế cũng giống như người gặp đám ruộng tốt, tuy gieo giống ít cũng thu hoạch được rất nhiều.”

 



11 *BUỒN PHIỀN NHƯ NHAU, THỌ BÁO KHÁC NHAU

Sách Pháp uyển châu lâm nói rằng: “Ví như có hai người, một người nghèo khổ, một người giàu có. Có kẻ đến cầu xin được giúp đỡ, cả hai người này đều sinh tâm buồn phiền. Người giàu có nhiều của cải buồn phiền vì sợ người kia nài nỉ xin xỏ, hao tốn tiền bạc của mình.
Người nghèo khổ lại buồn phiền vì rất muốn giúp người mà không có tiền bạc để giúp. Về sau, người nghèo khổ ấy được sinh lên cõi trời, còn người giàu có kia phải đọa vào cảnh giới ngạ quỷ. Tuy cả hai người đều sinh tâm buồn phiền nhưng lại thọ quả báo khác nhau.”

12 *TUỔI THỌ KHÁC NHAU, QUẢ PHƯỚC GIỐNG NHAU

Ví như một người sống vào thời tuổi thọ lên đến ngàn năm, suốt đời thọ trì Năm giới, thực hành Mười điều lành, so với một người sống vào thời tuổi thọ chỉ được mười năm, cũng suốt đời thọ trì Năm giới, thực hành Mười điều lành, thì phước báo của cả hai người này đều giống như nhau, không khác.

13 *LÀM VIỆC ÁC CUỐI ĐỜI ĐƯỢC KẾT QUẢ TỐT ĐẸP

Ví như có người làm việc ác nhưng cuối đời lại được hưởng kết quả tốt đẹp, ấy là vì nghiệp quả của việc ác đã làm trong đời này còn chưa chín muồi, mà nghiệp quả của những việc thiện đã làm trong đời trước lại chín muồi trước.

Thời Đức Phật, có một người đồ tể đi đến gặp vua A-xà-thế cầu xin một ước nguyện. Vua bảo:
–Ngươi cầu xin điều gì?
Anh ta thưa:
– Khi ngài mở hội cúng tế, cần mổ giết súc vật, nếu vua chấp nhận tôi sẽ tận tâm làm việc ấy.
Vua nói:
– Mổ giết là việc ít ai ưa, vì sao ngươi lại muốn làm?
Thưa:
– Tôi kiếp xưa vốn là người nghèo, chuyên nghề giết dê bán để tự sinh sống. Nhờ việc làm đó, sau khi chết được sinh cõi trời Tứ Thiên vương. Hết tuổi thọ ở cõi trời, sinh trở lại làm người, tiếp tục làm nghề giết dê. Khi chết lại được sinh lên cõi trời lần thứ hai. Như vậy sáu đời ở dương gian làm nghề giết dê, nhờ đó mà sáu lần được sinh lên cõi trời, thọ phước không thể lường được. Vì lý do như vậy nên tôi đến đây xin vua làm việc mổ giết ấy.
Vua nói:
– Ngươi đặt bày nói dối như vậy, chứ ngươi làm sao biết được?
Anh ta thưa:
–Tôi biết được việc kiếp trước.
Vua nghe không thể tin, cho là nói dối, vua suy nghĩ: “Kẻ hạ tiện như vậy làm sao có thể biết được tiền kiếp?”.
Sau đó, vua được gặp Đức Phật, liền đem việc ấy thưa hỏi.

Đức Phật dạy:
–Thật như lời anh ấy nói, không phải hư dối. Vị này đời trước đã từng gặp được Bích-chi-phật. Anh ta thấy vị Bích-chi-phật lòng hoan hỷ, chí tâm quán sát kỹ, chiêm ngưỡng từ đầu cho đến chân, rồi liền phát sinh tâm lành. Do nhân duyên đó mà được phước sáu lần sinh lên cõi trời, sáu lần trở lại nhân gian, tự biết được túc mạng.
Do phước đức đã thuần thục nên chưa đến lúc phải thọ quả khổ. Khi hết thân này, mới đọa vào địa ngục chịu tội đã giết dê. Tội ở địa ngục mãn, sẽ phải sinh làm dê nhiều lần để thường mạng. Tên đồ tể ấy chỉ biết một ít đời trước, thấy sáu lần được sinh lên trời mà không biết được đời thứ bảy: Khi thọ thân người thì phước đã tạo trước đó rồi, nên mới hiểu lầm rằng: “Nhờ giết dê mà được sinh lên cõi trời.” Như vậy chỉ biết được đời trước, chẳng phải thần thông mà cũng chẳng phải là người sáng suốt đâu!
Vì thế nên người tu hành khi tạo công đức phải phát nguyện, chớ có buông thả, khiến quả báo không rõ ràng. Lấy chuyện thí dụ này để có thể chiêm nghiệm vậy.
( Trích : Chúng Kinh Tuyển Tạp Thí Dụ )

Thông thường, khi thấy có những người làm việc ác mà được hưởng phước báo thì nên hiểu là như vậy.

14 *LÀM VIỆC THIỆN CUỐI ĐỜI CHỊU KẾT QUẢ XẤU ÁC

Có người suốt đời thường làm việc thiện, nhưng cuối đời phải gánh chịu những kết cục bi thảm, ấy là vì nghiệp quả của những việc thiện đã làm trong đời này còn chưa chín muồi, mà nghiệp quả của những việc ác đã làm trong đời trước lại chín muồi trước.
Hơn nữa, tuy thấy có vẻ như đang chịu quả xấu mà thật ra chẳng phải quả xấu. Như xưa kia có một chú bé chăn trâu, một hôm hái hoa dâng cúng Phật, trở về giữa đường bị trâu húc chết, thần thức lập tức sinh lên cảnh trời Đao-lợi.
Lại có một con khỉ nhìn thấy vị tăng, sinh tâm hoan hỷ, liền đến gần mượn lấy áo cà-sa thử khoác lên thân, ngay lúc ấy bất ngờ sẩy chân ngã xuống vực sâu mà chết, thần thức lập tức sinh lên cõi trời.

Nói tóm lại, nếu do làm việc thiện mà phải bỏ mạng, chưa hẳn đã là không được quả báo tốt lành, chỉ là trong nhất thời mắt thịt của người phàm không thể thấy biết mà thôi.

15 *THÂN AN VUI, TÂM KHÔNG VUI

Người phàm tục tu phước, trong đời này mọi việc đều được như ý, có thể gọi là thân được an vui. Tuy nhiên, không học pháp xuất thế, chưa thoát khỏi luân hồi, rốt lại trong tâm vẫn không tránh khỏi mối lo rơi vào ba đường dữ.

16 *TÂM AN VUI, THÂN KHÔNG VUI

Bậc chứng quả A-la-hán đã chấm dứt không còn phải tái sinh, có thể xem như vĩnh viễn thoát ba đường dữ, ra khỏi sáu cõi luân hồi, có thể gọi là tâm được an vui. Tuy vậy, ví như trước đây không thường tu phước thì sẽ không nhận được sự cúng dường như ý muốn.

17 *BỐ THÍ LỚN LAO, PHƯỚC BÁO NHỎ

Kinh Bát-nhã dạy rằng: “Nếu vị Bồ Tát chỉ buông xả tài bảo trân quý nhưng không phát tâm cầu quả Phật để cứu độ tất cả chúng sinh, thì dù tu tập trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng cũng chỉ được phước báo rất ít.”
Ở đây phước báo thật ra không phải là ít, nhưng ý muốn nói rằng nếu so với vị Bồ Tát đã phát tâm Bồ-đề (cầu quả Phật để cứu độ tất cả chúng sinh) thì phước báo của vị này là ít.

18 *BỐ THÍ NHỎ NHOI, PHƯỚC BÁO LỚN LAO

Kinh Bát-nhã cũng dạy rằng: “Nếu vị Bồ Tát trong khi thực hành bố thí có thể hồi hướng cầu quả Vô thượng Bồ-đề để cứu độ tất cả chúng sinh trong mười phương, thì cho dù việc bố thí có nhỏ nhoi cũng vẫn được phước đức vô lượng.”

Đối với vị Bồ Tát này, từ lúc phát tâm cho đến khi thành tựu quả Phật, tâm địa không có gì tăng thêm, mà ruộng phước cũng không có gì tăng thêm, vì vốn đã viên mãn. Gặp hoàn cảnh thuận lợi, chính là lúc nên tu phước .
Khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, nên tự suy nghĩ như thế này: “Nhà ta nay được giàu có, nhất định là đời trước đã thường tu hạnh bố thí, nên đời này lại càng phải cứu người giúp vật nhiều hơn nữa. Thân thể ta không có bệnh tật, nhất định là đời trước đã thường tu tập từ bi, nên đời này lại càng phải tránh sự giết hại và làm việc phóng sinh nhiều hơn nữa.” Cũng giống như khi đã thắp lên một ngọn đèn sáng, cần phải tiếp tục châm thêm dầu thì mới có thể duy trì ánh sáng.

19 *GẶP HOÀN CẢNH TRÁI NGHỊCH VẪN CÓ THỂ TU PHƯỚC

Khi gặp hoàn cảnh trái nghịch, nên tự suy nghĩ như thế này: “Ta nay gặp cảnh khốn khổ tai ách này, đều là do nghiệp đời trước chiêu cảm mà có, nếu vui lòng nhận chịu ắt là đền trả hết được nợ nần xưa kia.”
Cũng chẳng riêng việc ấy, nếu mình gặp cảnh nghèo túng khốn cùng, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được giàu sang sung túc; nếu mình phải chịu nhiều bệnh khổ, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được khỏe mạnh an ổn; nếu mình thường gặp cảnh đấu tranh giành giật, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được hòa hợp an vui; nếu tự mình ngu si hôn ám, thường nguyện cho tất cả mọi người đều được trí tuệ sáng suốt; nếu tự mình không được trọn đủ các giác quan, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được thân tướng tốt đẹp.
Mỗi khi gặp một hoàn cảnh hoạn nạn nào đó, liền nguyện trong đời vị lai sẽ cứu độ cho người gặp hoạn nạn như thế. Như vậy chẳng phải là ngay nơi phiền não tức hiện Bồ-đề, độc dược hóa thành cam lộ đó sao? Nếu người không biết tu phước thì ắt là ngược lại.

20 *NGƯỜI KHÁC LÀM VIỆC THIỆN, TA CÓ THỂ ĐƯỢC PHƯỚC

Khi người khác làm việc thiện chưa thành tựu mà mình tùy theo để khuyến khích, thúc đẩy, đó gọi là khuyến khích được phước. Khi người khác làm việc thiện đã thành tựu, mình cũng tùy theo mà vui mừng hoan hỷ, đó gọi là tùy hỷ được phước.
Thường ngợi khen xưng tán điều thiện, khiến người khác bắt chước làm theo, đó gọi là tán thán được phước. Suy cho cùng thì khắp cả trên trời dưới đất, từ xưa đến nay, hết thảy các điều thiện trong thiên hạ đều có thể tạo phước cho ta. Cho nên, Bồ Tát Phổ Hiền phát khởi 10 nguyện lớn thì nguyện thứ 5 chính là “tùy hỷ công đức”.
Trên từ vô lượng phước báo nhiều đời nhiều kiếp của chư Phật, Bồ Tát; dưới cho đến chỉ một việc thiện nhỏ nhoi của bất kỳ chúng sinh nào trong sáu cõi luân hồi, khi mình biết được thì đối với tất cả đều phát tâm tán thán, tùy hỷ.
Làm được như thế rồi thì bao nhiêu phước báo trong tận cùng hư không, rộng khắp pháp giới, đâu đâu cũng có thể trở thành phước báo của mình, mà tự thân mình cũng được như Bồ Tát Phổ Hiền không khác.

21 *NGƯỜI KHÁC LÀM VIỆC XẤU ÁC, TA CÓ THỂ ĐƯỢC PHƯỚC

Khi người khác làm việc ác chưa thành mà mình gắng sức khuyên bảo, khiến người ấy ngưng lại, ắt mình sẽ được phước.
Khi người khác làm việc ác đã xong, mình thấy vậy sinh tâm buồn lo, không vui, ắt cũng sẽ được phước. Khi việc ác chưa truyền rộng, mình cố gắng tìm mọi phương cách để chặn đứng, ngăn cản, ắt sẽ được phước.
Nếu việc ác đã lan truyền, nên lấy đó làm bài học để răn ngừa, cảnh giác không phạm vào, ắt cũng sẽ được phước. Nếu việc xấu ác làm hại đến mình mà có thể nhẫn nhục chịu đựng, ắt sẽ được phước.
Nếu việc xấu ác làm hại đến người khác mà mình có thể khuyên người nhẫn nhục chịu đựng, ắt cũng sẽ được phước.

nguồn: nhân quả

Viết bình luận của bạn:

icon icon icon icon icon icon